Nếu như Facebook, Tiktok, Instagram được bạn lướt mỗi ngày với mục đích giải trí, LinkedIn là một trang mạng xã hội mình khuyến khích mỗi bạn nên có và dành chút thời gian ‘lướt’ mỗi ngày để mở rộng mối quan hệ, nâng cao năng lực chuyên môn và tìm được công việc tốt khi cần.
Trong bài viết Phần 1, mình đã chia sẻ những tips giúp bạn có một LinkedIn ấn tượng từ cách để hình ảnh, viết nội dung giới thiệu – trong phần 2 này mình sẽ chia sẻ nốt 10 tips còn lại nhé.
11/ Tham gia các hội nhóm liên quan đến lĩnh vực đang làm hoặc theo đuổi
Cũng giống như trên Facebook, bạn có thể tham gia vào các Nhóm (Groups) trên LinkedIn. Điểm khác ở các nhóm so với Facebook là LinkedIn tập trung sâu hơn vào các đề tài chuyên môn nghề nghiệp, vì vậy tuỳ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực bạn đang làm việc hoặc đang có ý định làm việc, bạn có thể tìm các từ khoá trên thanh tìm kiếm và tham gia và các nhóm nghề nghiệp đó ở cả Việt Nam và quốc tế. Nếu như nghề của bạn không có nữa thì bạn có thể tự tạo luôn ra một nhóm và mời những người đang làm cùng nghề tham gia. Ví dụ bên dưới là các nhóm hiển thị trong LinkedIn của mình, chủ yếu là về nhân sự và hướng nghiệp.

12/ LinkedIn khác gì với CV?
Bạn hãy nhớ LinkedIn là trang bổ trợ cho CV, vì vậy bất kỳ thông tin nào có trong CV đều nên được đưa lên LinkedIn và bổ sung thêm. CV thì chỉ giới hạn trong 1-2 trang giấy, nhưng LinkedIn thì có thể dài hơn. CV chỉ chủ yếu là chữ, trong khi đó LinkedIn lại có thể thêm hình ảnh, video, slide minh hoạ. Hiện nay ngày càng nhiều nhà tuyển dụng sử dụng LinkedIn hơn, vì vậy nếu bạn đầu tư cho LinkedIn của mình chỉn chu, khi nhà tuyển dụng tìm tên bạn sẽ dễ ra hơn (có nhiều người tìm tên hoài không thấy), và khi tìm được rồi thì sẽ thấy ấn tượng với những thông tin bạn cung cấp. Vì vậy nếu đã tạo tài khoản LinkedIn rồi thì nhớ bớt chút thời gian chăm chút cho nó nhé.
13/ Viết gì trong phần kinh nghiệm làm việc
Cũng giống như CV, kinh nghiệm làm việc là một phần đa số mọi người sẽ nhìn vào và chú ý hiều nhất trong LinkedIn. Và cũng giống như CV, mình khuyến khích các bạn không viết quá dài, trọng tâm vào những ý chính và có thật nhiều số liệu kết quả công việc trong đó.
Có nhiều cách viết kinh nghiệm làm việc khác nhau. Ví dụ trong LinkedIn của mình, Tuấn Anh liệt kê theo dạng các gạch đầu dòng những ý chính trong công việc. Có người không trình bày theo các gạch đầu dòng mà viết thành các đoạn văn ngắn ví dụ như Daymond John – một cá mập trong chương trình Shark Tank Mỹ. Bạn viết cách nào cũng được, tuy nhiên hãy cố gắng đảm bảo một số tiêu chí dưới đây:
- Mỗi thông tin đưa vào trong kinh nghiệm có nói về kết quả chứ không chỉ đơn giản nói bạn làm gì. Ví dụ bạn quản lý một nhóm trong công ty, nhóm đó có bao nhiêu người? Bạn đọc thêm về hướng dẫn cách viết số liệu tại đây.
- Nếu bạn dùng tiếng Anh, cân nhắc sử dụng nhiều các động từ hành động để tăng độ thu hút cho nội dung.
- Cuối cùng, bạn đừng quên bổ sung các hình ảnh, video liên quan đến công việc nếu có.
Ví dụ một kinh nghiệm làm việc trong LinkedIn của mình:

14/ Người khác giới thiệu giúp bạn tăng uy tín
Giống như trước khi mua một món hàng online, bạn thường đọc ‘review’ của người đã mua, vậy nếu một cá nhân trên LinkedIn có những ‘review’ tốt cũng có thể gây ấn tượng hơn với người đọc. Khi bạn đã có một tài khoản LinkedIn chỉn chu, hãy mời một người đồng nghiệp, nhân viên, sếp hoặc thầy cô giáo nếu họ cũng sử dụng LinkedIn viết cho bạn vài lời ở phần Recommendations.
Bạn có thể nhờ người giới thiệu viết nhấn mạnh về những điều mạnh hoặc kỹ năng mà bạn muốn. Thực tế có nhiều người tự viết sau đó nhờ bạn bè đánh giá trên LinkedIn cũng hoàn toàn là bình thường.
15/ Hiểu rõ quy định số lượng từ LinkedIn
Đến thời điểm bài viết này được viết (05/09/2022), dưới đây là một số quy định về số lượng từ trên LinkedIn để bạn tham khảo.
- Tên (First Name): 20 kí tự
- Họ (Last Name): 40 kí tự
- Tiêu đề Headline: 220 kí tự
- Phần tóm tắt Summary: 2,000 kí tự
- Phần giới thiệu Recommendation: 3,000 kí tự
- Đuôi URL: 5-30 kí tự sau cụm ‘www.linkedin.com/in/’
- Tên vị trí công việc: 100 kí tự
- Mô tả công việc: 2,000 kí tự
- Sở thích: 1,000 kí tự
- Kỹ năng Skills: 80 kí tự cho mỗi kỹ năng
16/ Nếu bạn đang tìm việc, bạn mở tính năng “open to work”
Đây là một tính năng bạn công khai cho cả thế giới biết là bạn đang tìm kiếm công việc mới. Khi bạn mở tính năng này, hồ sơ của bạn sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thanh tìm kiếm. (Mình đoán là bạn cần phải nghỉ công việc cũ rồi mới dám mở tính năng này lên, vì lỡ đang làm mà mở sếp nhìn thấy thì dở).
Tuy nhiên hãy nhớ là bạn đã hoàn thiện hồ sơ LinkedIn đầy đủ các phần như mình đã hướng dẫn, để khi người khác tìm thấy hồ sơ của bạn, họ ấn vào và thấy rất nhiều thông tin nhé. Khi bạn để chế độ “Open to Work”, bạn có thể bổ sung thêm một vài thông tin về tên công việc.
17/ Ẩn hoạt động update hồ sơ
Khi bạn mới dùng LinkedIn và có nhiều hoạt động chỉnh sửa, thêm thắt, LinkedIn có thể tự động “bắn noti” về những người trong mạng lưới bạn bè của bạn. Việc này đôi khi hơi phiền phức với người khác. Để tắt tính năng này bạn vào theo hướng dẫn sau: Settings & Privacy > Visibility > Visibility of your LinkedIn activity > Share profile updates with your network > No.
18/ Kết nối LinkedIn với các trang mạng xã hội khác
Nếu bạn không ngại, bạn có thể kết nối các trang mạng xã hội khác như Twitter và Facebook vào tài khoản LinkedIn của bạn. Một số người để mục này ở trong phần Summary, vậy là ngoài những thông tin chuyên nghiệp, người đọc có thể biết thêm một số những thông tin bên lề về bạn.
19/ Kiểm tra các lỗi tiếng Anh
Vì LinkedIn chủ yếu viết bằng tiếng Anh, trong khi chúng ta là người Việt nên đôi khi không thể tránh khỏi sai sót, vì vậy mình khuyến khích các bạn sử dụng phần mềm Grammarly, hoặc nhờ bạn bè vào đọc qua một lượt LinkedIn của bạn xem có lỗi chính tả hay lỗi gõ chữ nào không.
20/ Một số đề mục khác bạn nên có trong LinkedIn
Những đề mục dưới đây không bắt buộc phải có, tuy nhiên nếu bạn có trong LinkedIn cũng sẽ giúp cho hồ sơ của bạn đầy đặn và nổi bật hơn.
Volunteering. Nếu bạn có từng tham gia một vài các hoạt động thiện nguyện trong và ngoài trường, đây là chỗ bạn có thể đưa vào.
Languages. Nếu bạn là người giỏi nhiều ngoại ngữ, hãy tận dụng chỗ này để đưa vào.
Honors and awards. Nếu bạn là người đam mê tham gia các cuộc thi và có được những thành tích cao, đây là chỗ bạn có thể thêm các thông tin vào.
Như vậy là Tuấn Anh đã chia sẻ xong 20 tips để giúp bạn có một LinkedIn hoàn chỉnh, hi vọng 2 bài viết vừa qua đầy đủ để bạn tự tin tạo LinkedIn cho mình.
Nếu bạn cần tư vấn sâu hơn về hướng nghiệp, có thể đăng ký cùng Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/tuvan/