Ngoài các anh chị đang làm tuyển dụng và các anh chị quản lý cấp cao của các công ty, còn có rất nhiều bạn đang dùng LinkedIn với mục đích tìm kiếm công việc phù hợp. Nhận thấy LinkedIn đang là một kênh rất thích hợp để tìm những công việc tốt, Tuấn Anh muốn viết riêng bài này để hỗ trợ các bạn đang có nhu cầu tìm việc tận dụng tốt các tính năng của LinkedIn cho việc này.
Trước khi đọc đến các tips ở bên dưới, bạn hãy đọc qua một lời khuyên từ chủ tịch LinkedIn, ông Jeff Weiner về cách sử dụng nền tảng này hiệu quả (được trích trong bài phỏng vấn này). “Hãy là chính mình. LinkedIn khác với CV, đây là một nền tảng năng động để thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng, mục tiêu và những gì bạn quan tâm trong một lĩnh vực nghề nghiệp. Để gây ấn tượng, các nội dung trên LinkedIn cần đồng nhất, tươi mới và được cập nhật thường xuyên. Càng cập nhật thường xuyên, cơ hội càng đến với bạn nhiều hơn“.
Vậy trước khi đọc những hướng dẫn bên dưới, trước tiên nếu chưa có LinkedIn, bạn hãy vào https://www.linkedin.com/ và tạo ngay cho mình một tài khoản. Nếu đã có rồi, hãy thực hiện tiếp các bước dưới đây để tăng cơ hội tiếp cận những công việc hay ho cho bạn.
1/ Cập nhật hình ảnh và kỹ năng. Theo số liệu từ LinkedIn, profile của ai có ảnh chuyên nghiệp thì có tỉ lệ xem cao hơn 14 lần, ai có phần Kỹ năng thì có tỉ lệ xem cao hơn 13 lần so với người không có. Chính vì vậy bạn cần cập nhật 2 cái này trước tiên.
- Có một tấm hình chuyên nghiệp (rõ mặt, nền trơn, trang phục chuyên nghiệp), không nên dùng ảnh selfie và ảnh thẻ.
- Có ít nhất 6-10 kỹ năng trong phần Skills. Nếu được mỗi kỹ năng hãy kiếm ít nhất 3 người bạn ấn Endorse cho kỹ năng đó, sẽ làm cho kỹ năng của bạn uy tín hơn.

2/ Cập nhật Headlines. Khi người khác tìm thông tin về bạn trên LinkedIn, chỉ có ảnh, tên và dòng headline (bên dưới ảnh) hiển thị lên thôi, vì vậy Headline nên ghi rõ mục đích mong muốn của bạn ở thời điểm hiện tại. Cụ thể nếu bây giờ bạn đang tìm việc, bạn cần ghi rõ kiểu công việc mình đang tìm kiếm. Ví dụ một số Headlines mẫu:
- Recent Finance graduate with a focus in financial analysis, reporting, and auditing
- Senior Manufacturing Engineer | 6+ Years in GMP Manufacturing | Cat fanatic
- Social Media Manager | Helping software start-ups manage and grow their social media to drive more sales
- I help coaches and consultants generate an additional $10,000-20,000 per month via video ads
- Content Marketing Strategist specializing in press releases, blog content, and social media
- Certified Public Accountant (CPA) seeking a management opportunity
- Financial analyst looking for opportunities in the private sector
3/ Cho người khác biết là bạn đang tìm việc. Nếu bạn đã nghỉ việc ở công ty cũ và sẵn sàng tìm công việc mới, bên cạnh việc cập nhật Headlines theo hướng dẫn ở trên, bạn có thể bật chế độ Open to và chọn Finding a new job để profile của bạn xuất hiện nhiều hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

4/ Tìm đến công ty bạn đang quan tâm, theo dõi các tin tức công ty và những người đang làm việc tại đó. Hiện nay có kha khá các công ty lớn nhỏ ở Việt Nam đang sử dụng LinkedIn. Việc bạn cần làm là lên thanh tìm kiếm gõ tên công ty, sao đó để ý phần Jobs – là nơi công ty đăng tuyển các tin tuyển dụng và phần People là phần có những người đã và đang làm việc tại công ty đó. Ví dụ hình bên dưới cho thấy bạn có thể kết nối với ít nhất 241 nhân viên đã và đang làm việc tại TopCV.

5/ Kết nối với các anh chị cựu sinh viên. Tương tự với bước ở trên tuy nhiên lần này bạn không tìm tên công ty mà tìm tên trường đại học của mình. Khi tìm ra tên trường đại học, bạn ấn vào phần “Alumni” và có thể chọn số năm nhất định, tại đây bạn có thể lọc ra những anh chị cựu sinh viên từng học trường mình và đang làm việc tại các công ty, xin phép kết nối với họ. Ví dụ hình bên dưới mình có thể kết nối với hơn 30K cựu sinh viên RMIT Việt Nam.

6/ Không chỉ “tiêu thụ”, cần phải “sản xuất”. Tức là bạn không chỉ nên dùng LinkedIn để đọc hay theo dõi người khác. Chính bạn phải là tác giả của một số nội dung. Tuỳ theo ngành nghề bạn đang theo đuổi là gì, bạn có thể chia sẻ các bài báo liên quan đến chuyên ngành, bình luận vào bài viết của những người trong ngành hoặc tự viết một status, bài viết về chủ đề nào đó. Một tỉ lệ được LinkedIn khuyến nghị là 4:1:1, tức là trong 1 tuần bạn chia sẻ 4 nội dung, bình luận vào 1 nội dung và viết 1 nội dung.
7/ Hỏi xin “Recommendations”. Recommendations là tính năng người khác có thể viết lời giới thiệu cho bạn. Nếu bạn có Recommendations, hình ảnh của bạn trông sẽ “sáng” hơn giống như việc bạn mua một món hàng online được bình chọn nhiều sao vậy. Bạn có thể nhờ bất kỳ ai từ sếp, đồng nghiệp, thầy cô, bạn học viết Recommendations cho bạn.
8/ Chia sẻ kết quả công việc làm được. Một lỗi mình thường gặp ở nhiều bạn là chỉ lập tài khoản LinkedIn, viết tên công ty và vị trí làm việc mà thiếu đi các gạch đầu dòng mô tả công việc. Việc này khiến cho người đọc không biết kết quả làm việc của bạn thế nào, tốt hay không. Vì vậy, với mỗi công việc trên LinkedIn, bạn nên đưa vào khoảng ít nhất 3 gạch đầu dòng mô tả công việc đó, kèm theo một vài số liệu theo hướng dẫn viết CV tại đây.

9/ Tăng Connections. Mấu chốt của tìm việc hiệu quả là mạng lưới quan hệ của bạn rộng. Một trong những cách tăng mạng lưới quan hệ là tăng Connections trên LinkedIn. Mình nghĩ rằng việc này rất phù hợp cho những người hướng nội ngại đi ra ngoài tiếp xúc với người khác. Để có những Connections chất lượng, bạn có thể tìm những người làm Headhunters, nhân sự, làm trong ngành của bạn, anh chị cựu sinh viên. Khi gửi tin nhắn kết bạn tới một ai, bạn hãy nhớ viết vài dòng vì sao bạn muốn kết bạn với họ nhé.
10/ Đừng ngần ngại quảng bá bản thân thông qua status. Khi bạn đã sẵn sàng, hãy đăng một status tự bán bản thân. Viết về công việc bạn muốn làm, kiểu công ty, bạn giỏi cái gì, kỳ vọng mức lương bao nhiêu, có thể đăng kèm thêm cả CV của bạn nữ. Có rất nhiều nhà tuyển dụng đang sử dụng LinkedIn, biết đâu bài rao bán của bạn sẽ gây chú ý.
Trên đây là 10 tips nhỏ để giúp những ai đang tìm việc tăng khả năng tìm được những cơ hội tốt hơn trên LinkedIn. Chúc các bạn thành công.
Với những bạn còn băn khoăn về định hướng nghề nghiệp, bạn có thể đăng ký tư vấn cùng Tuấn Anh tại đây.
1 bình luận cho “10 Tips Tận Dụng LinkedIn Tìm Việc Hiệu Quả”
[…] Để tìm được một công việc tốt sau đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn cần có kỹ năng mềm + mối quan hệ trong ngành. Kỹ năng mềm được xây dựng qua các hoạt động làm thêm, làm việc trong CLB và tương tác với người khác. Các mối quan hệ được xây dựng thông qua việc tham gia ngày hội nghề nghiệp hoặc tạo một tài khoản LinkedIn và kết nối với những người khác. Bạn có thể xem hướng dẫn sử dụng LinkedIn để xây dựng mối quan hệ tại đây. […]
ThíchThích