Trong công việc tư vấn hướng nghiệp, Tuấn Anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều cá nhân ở những độ tuổi khác nhau: học sinh cấp 3, sinh viên đại học, người mới đi làm, quản lý cấp trung, quản lý cấp cao. Tuổi có thể khác nhau, nhưng điểm chung là đều có nỗi sợ liên quan đến nghề nghiệp. Mỗi nhóm tuổi thì có nỗi sợ khác nhau: học sinh sinh viên thì lo chọn ngành sai, không biết đam mê của mình là gì, người mới đi làm thì lo lắng việc hoà nhập, có làm đúng việc hay không. Người sắp lên quản lý lo lắng về cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, người đã khá thành công trong công việc thì đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Nói chung, không bao giờ hết nỗi lo.

Trong các buổi tư vấn, Tuấn Anh đều chia sẻ thẳng thắn với người được tư vấn là “sẽ không bao giờ hết những nỗi lo liên quan đến nghề nghiệp đâu!”. Bởi hướng nghiệp là hành trình cả một đời, ở mỗi giai đoạn chúng ta có những mối quan tâm và mục tiêu khác nhau, từ đó phát sinh những lo lắng khác nhau. Vì vậy đừng cố tìm cách chạy trốn những nỗi sợ và nỗi lo, hãy xem những vấn đề lo sợ trong công việc là điều tất yếu, thời điểm nào lo sợ cái gì thì ta tập trung giải quyết cái đó.

Bài viết này Tuấn Anh chia sẻ đến các bạn đọc một số phương pháp giải quyết một vài nỗi lo sợ thường gặp trong nghề nghiệp theo từng nhóm đối tượng khác nhau nhé.

Nhóm học sinh: Nỗi sợ chọn sai ngành học

Có hai điều muốn chia sẻ cùng các em học sinh đang học cấp 3 đó là:

Có rất nhiều ngành học có thể đúng với một cá nhân, chúng ta không nhất thiết phải chỉ được chọn duy nhất một ngành và sẽ làm theo ngành đó cả đời. Thực tế có rất nhiều người học đại học một ngành và ra trường làm một nghề khác hoàn toàn, họ vẫn làm tốt. Nếu ở thời điểm cấp 3 các em chưa biết đâu là ngành phù hợp nhất với mình cũng không sao cả. Các em hãy bắt đầu với việc đơn giản hơn là xác định ngành học sai. Ngành học sai là ngành học có đặc tính khác với những điểm mạnh tự nhiên của các em. Ví dụ Tuấn Anh không giỏi tính toán, nếu học kế toán là một ngành học sai. Chúng ta dễ chọn ngành học sai vì áp lực từ gia đình hoặc lời khuyên của xã hội. Ví dụ, học truyền thông đi vì ngành đó đang “hot”, nhưng nếu em không phải người sáng tạo, thích giao tiếp, nhiều năng lượng thì kể cả ngành đang “hot” cũng sẽ không phù hợp với em. Em hãy dành thời gian làm bài trắc nghiệm Holland tại link này để khám phá về tính cách của bản thân, từ đó lọc ra một vài ngành sai để né trước.

Càng có nhiều trải nghiệm thì các em sẽ càng có thêm dữ liệu để chọn ngành học tốt hơn. Có nhiều cách để các em trải nghiệm bao gồm: tham gia làm việc tại các CLB trong và ngoài trường, tham gia các hội thảo liên quan đến ngành cách em đang quan tâm, nói chuyện với các anh chị đang học và làm việc trong ngành, tham gia các lớp học thử của ngành đó, ví dụ các chương trình học thử của Đại học RMIT tại đây.

Nhóm sinh viên: Nỗi sợ thất nghiệp sau khi ra trường và làm không đúng nghề

Nếu bạn thuộc nhóm chưa biết mình thích gì, giỏi gì, hãy bắt đầu bằng việc làm bài trắc nghiệm Holland như hướng dẫn ở trên. Ngoài ra, việc học đại học không chỉ nên gói gọn ở các môn học ở trường. Các bạn nên dành thời gian tham gia các hội thảo của nhà trường tổ chức, tìm cơ hội đi thực tập và làm thêm, tìm kiếm mentor trong lĩnh vực mình đang quan tâm – như vậy mới tận dụng tối đa những năm tháng đại học.

Để tìm được một công việc tốt sau đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn cần có kỹ năng mềm + mối quan hệ trong ngành. Kỹ năng mềm được xây dựng qua các hoạt động làm thêm, làm việc trong CLB và tương tác với người khác. Các mối quan hệ được xây dựng thông qua việc tham gia ngày hội nghề nghiệp hoặc tạo một tài khoản LinkedIn và kết nối với những người khác. Bạn có thể xem hướng dẫn sử dụng LinkedIn để xây dựng mối quan hệ tại đây.

Nhóm người mới đi làm: Nỗi sợ chuyển việc nhiều, lỡ vẫn sai thì sao?

Có một nhóm cá nhân thuộc họ thích đủ thứ, tức là có thể làm nhiều công việc khác nhau. Nhóm này thường vất vả hơn trong việc xác định mình thích gì, dễ hoà nhập với công việc mới và cũng dễ nhanh chán trong công việc. Tuấn Anh từng viết một bài dành riêng cho nhóm thích nhiều thứ tại đây, bạn có thể tìm đọc. Về cơ bản, nhóm thích nhiều thứ cần phải chấp nhận tính cách của mình, đào sâu vào những nỗi sợ bên trong và thực hiện các phương pháp để giảm bớt sự lo lắng cũng như so sánh bản thân với người khác.

Khi bạn chuyển việc mới, chắc chắn bạn có rất nhiều lo lắng. Dù bạn có ghét cay ghét đắng công việc hiện tại đến đâu, nó cũng đang đem lại sự “ổn định” do bạn đã quen tay và có thu nhập đều đặn. Việc quyết định nghỉ và tìm công việc mới có thể khiến bạn lo lắng về tài chính, về việc hoà nhập, về việc lỡ công việc mới lại sai thì làm sao? Thực tế là, chúng ta không biết chắc chắn chuyện tương lai như thế nào. Chúng ta cũng không thể kiểm soát được 100% những việc xảy ra bên ngoài. Khi đi là, việc chúng ta có thể kiểm soát được là thái độ và năng suất làm việc của bản thân và đưa ra những lựa chọn phù hợp vào thời điểm đó. Cũng giống như các em cấp 3 chọn ngành ở trên, chúng ta có thể áp dụng phương pháp loại bỏ đi những tiêu chí sai khi tìm việc. Nếu bạn đã đi làm một thời gian, bạn có thể có trong đầu một vài tiêu chí việc sai, thể hiện qua tính cách đồng nghiệp như thế nào, môi trường làm việc như thế nào, đặc thù công việc ra sao. Cụ thể 7 tiêu chí đánh giá một công việc bạn có thể đọc thêm tại đây.

Nhóm quản lý cấp trung: Làm sao cân bằng đời sống cá nhân và công việc? Làm sao để trở thành một người quản lý giỏi?

Để cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, bạn không nên nhầm lẫn cân bằng tức là phải đi làm 8 tiếng và nghỉ ngơi 8 tiếng. Mọi việc không diễn ra tròn trịa như vậy đâu. Bạn cần phải xác định được xem cân bằng với bản thân như thế nào là đủ, và để cân bằng thì bản thân thích những hoạt động gì. Có những người làm 10-15 tiếng mỗi ngày, chỉ cần 1 tiếng nghỉ ngơi là đủ. Có người thời gian riêng chọn cách đọc sách, đi bộ, cafe, có người lại chỉ thích một mình ngủ – không có cách nào là sai cả, chỉ có cách nào phù hợp với bạn mà thôi. Tuấn Anh chia sẻ thêm với bạn về khái niệm “quản lý năng lượng” giúp bạn cân bằng hơn cuộc sống. Năng lượng của một người có thể chia làm 4 phần: năng lượng thể chất, năng lượng tinh thần, năng lượng cảm xúc và năng lượng tâm linh. Để cân bằng cuộc sống của bản thân, bạn thử suy nghĩ xem mỗi ngày hoặc trong tuần mình đã có những thời gian để tăng cường thể chất (thể dục, chạy bộ) chưa, mình có thời gian nâng cao tinh thần chưa (thiền), mình có quản lý cảm xúc của mình tốt không và mình có đang làm gì hướng đến những ý nghĩa sâu xa hơn không.

Nhóm quản lý cấp cao: Ý nghĩa của cuộc đời là gì?

Thông thường khi đã có thành công nhất định trong công việc, không còn quá lo lắng về những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, một người bắt đầu có suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Khủng hoảng hiện sinh có thể xuất hiện ở đây. Khủng hoảng này thường bắt đầu ở tuổi trung niên hoặc lớn hơn một chút, đôi khi có xuất hiện ở một số bạn nhỏ hơn. Ở thời điểm này, người ta bắt đầu có những câu hỏi mang tính triết học “Tôi là ai?”, “Tôi làm gì ở thế giới này?”, “Tôi được sinh ra với sứ mệnh gì?”.

Việc đầu tiên bạn cần hiểu là đừng hoang mang khi những câu hỏi này xuất hiện, cũng đừng tự chỉ trích bản thân những năm qua đã mải mê chạy theo đồng tiền, địa vị danh vọng. Phải có những năm tháng như vậy thì mới tới thời điểm của bạn ngày hôm nay.

Hãy bắt đầu tìm hiểu câu trả lời này thông qua những đầu sách triết học, những khoá học hiểu về bản thân bên trong (tâm lý học, thiền), câu trả lời cuối cùng đến từ việc bạn “ngộ” ra điều gì, tức là từ bên trong bạn. Không ai có thể đưa ra câu trả lời thay, không ai có thể nói về ý nghĩa cuộc đời bạn thay cho chính bạn cả.

Ý nghĩa cuộc đời mỗi người khác nhau, không có tốt, xấu, đúng sai. Nhiều người ngoài kia nói về việc đóng góp cho xã hội, cộng đồng, giúp đỡ người khác – nếu bạn không thấy những việc đó ý nghĩa cũng hoàn toàn bình thường. Chạy theo tiền bạc để chăm lo gia đình, để người thân có cuộc sống tốt hơn cũng là một loại ý nghĩa. Có nhưng người làm việc vì ý nghĩa cá nhân, lớn hơn một chút là cộng đồng nhỏ gia đình, lớn lao hơn nữa là cho đất nước, cho quả địa cầu. Mỗi người mỗi việc, không cần phải so sánh với ai hết.

Mỗi thời điểm trong cuộc đời, chúng ta sẽ có những nỗi lo sợ khác nhau. Đừng hoảng hốt, hãy nhìn sâu vào nỗi sợ và chúng ta sẽ tìm được cách giải quyết.

Tuấn Anh

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: