Hãy suy nghĩ về những tình huống dưới đây:
- Bạn có bao giờ mải làm mà quên luôn việc ăn sáng, ăn trưa, ăn tối? Việc ăn quá bữa là việc bình thường?
- Bạn có cảm thấy thời gian mình đang có là không đủ, cho dù bạn dậy sớm, thức khuya để làm rất nhiều việc nhưng vẫn muốn có nhiều hơn?
- Bạn có bao giờ cảm thấy trống rỗng, vô dụng khi không có việc gì để làm?
Nếu có những dấu hiệu trên, rất có khả năng bạn đang rơi vào nhóm “làm nhiều quá”, “tham việc” và mất cân bằng công việc – đời sống cá nhân.
Nếu bạn làm việc nhiều, đương nhiên bạn là người có giá trị với công ty. Có rất nhiều những lý do khiến cho bạn “ham” làm việc như vậy, hãy cùng mình phân tích xem bạn đang thuộc nhóm lý do nào và có cách nào để cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân hơn không.
1/ Làm vì sợ
Những người thuộc nhóm này làm việc vì những nỗi sợ: sợ mất việc, sợ mất cơ hội thăng tiến, sợ mất địa vị hoặc danh tiếng trong xã hội. Những người thuộc nhóm này luôn cảm thấy những gì mình làm chỉ vừa đủ, chưa có gì nổi bật, phải làm thêm thật nhiều nữa để có thể tồn tại. Cảm giác nếu mình không làm việc chăm chỉ là mình đang thụt lùi so với người khác.
Xử lý vấn đề này thế nào?
Câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra là cảm giác trên có phải vì bị ảnh hưởng bởi công ty hiện tại bạn đang làm không (ví dụ: công ty đang thay đổi, có quản lý mới, cắt giảm nhân sự…). Hay là cảm giác này luôn luôn có trong bạn mọi lúc mọi nơi dù bạn làm ở đâu?
Nếu bạn đang lo lắng mình nằm trong nhóm mất việc vì những biến động ở công ty, bạn cần bắt tay thực hiện một số việc để chuẩn bị trước cho bản thân. Đầu tiên, bạn cập nhật lại CV và cập nhật LinkedIn. Tiếp theo, bạn bắt đầu tìm lại các mối quan hệ chuyên nghiệp trong công việc, tìm kiếm những cơ hội việc làm mới thông qua các mối quan hệ đó. Hãy nhớ là bạn cần rõ ràng các tiêu chí tìm kiếm công việc mới của bản thân, như vậy bạn sẽ tìm việc hiệu quả hơn và đúng hơn.
Nếu bạn nằm trong nhóm dễ lo lắng, luôn lo lắng dù cho công việc hiện tại vẫn ổn thì điều bạn cần làm là gì? Trước tiên, luôn update CV và tranh thủ học thêm các kỹ năng mới là không thừa. Bạn cần dành thêm thời gian cho bản thân, vận động cơ thể, ngồi thiền, thử một số sở thích mới. Những việc dành cho bản thân tưởng chừng vô bổ nhưng là cách để bạn sạc lại năng lượng, hướng sự tập trung ra khỏi công việc, từ đó giúp bạn lo lắng ít hơn.
Hãy thử làm điều này: Từ tuần tới, mỗi ngày hãy cố gắng kết thúc công việc sớm hơn 30 phút – 1 tiếng so với giờ mọi ngày của bạn. Làm một việc gì đó mới như tập thể dục, gọi điện hoặc đi chơi với một người bạn, tập Yoga hoặc bất kỳ việc gì. Hãy thử việc này trong một vài tuần và xem lại chất lượng công việc của bạn có tốt hơn không nhé.
2/ Làm vì tiền
Làm thêm giờ cho bạn thêm thu nhập, đơn giản là vậy. Bạn bỏ rất nhiều thời gian để kiếm thêm tiền nhằm đạt được những mục tiêu mua nhà, mua xe, nên bạn không có thời gian ăn uống, chăm sóc sức khoẻ. Thực tế, bạn vẫn có thể làm tất cả những điều trên một lúc.
Xử lý vấn đề này thế nào?
Đi làm vì tiền không có gì là sai. Nhưng bỏ quên sức khoẻ, cuộc sống cá nhân, các mối quan hệ chỉ để chạy theo tiền thì có phần hơi sai. Để tăng thu nhập mà không phải tăng quá nhiều thời gian, có 2 việc bạn có thể làm. Đầu tiên, đề xuất tăng lương tại công ty. Không phải là thăng cấp, mà là tăng lương. Bạn có thể đề xuất bằng văn bản, liệt kê những gì bạn đã làm tốt, đang có và đóng góp được cho công ty, cùng với con số mới bạn đề xuất dựa trên tìm hiểu của bạn về thị trường lao động. Đề xuất này của bạn có thể bị từ chối, không sao cả, ít nhất bạn cũng biết được mình cần làm gì tiếp theo.
Điều thứ hai bạn cần làm là chi tiết hoá hơn nữa các mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Có thể bạn đang đặt mục tiêu tiết kiếm cho đám cưới, để mua nhà, hoặc đi du lịch. Những mục tiêu cụ thể thay vì chỉ đơn giản là tiền giúp bạn có nhiều động lực hơn để làm việc và có cột mốc rõ ràng hơn.
Hiểu rõ về tiền và tiết kiệm cũng là một cách. Bạn có thể kiếm ra rất nhiều tiền nhưng lại phung phí hoặc mang số tiền đó cho bệnh viện để chăm sóc sức khoẻ thì đấy là một sự lãng phí. Học cách tiết kiệm tiền, chăm sóc sức khoẻ cũng là một cách tiết kiệm tiền. Mình giới thiệu cuốn sách Tâm lý học về tiền là một cuốn sách rất hay giúp bạn thay đổi tư duy về tiền bạc.
3/ Làm vì đam mê
Nếu bạn thật sự dành toàn bộ thời gian mình có cho công việc vì đam mê, xin chúc mình – bạn là một trong số ít người may mắn tìm ra được đam mê của mình. Bạn có thể đam mê công việc đến quên ăn quên ngủ. Tuy nhiên xin hãy nhớ rằng, có ăn có ngủ thì mới có nhiều sức khoẻ, từ đó có nhiều thời gian để theo đuổi đam mê của bạn.
Xử lý vấn đề này thế nào?
Nếu bạn đang gặp vấn đề trong việc tìm thời gian để ăn, ngủ hoặc làm những việc cá nhân – điều bạn cần làm là nghiêm túc coi những việc trên cũng quan trọng cho công việc. Nếu trong lịch trình một ngày bạn đang lên lịch gặp người A, tham gia cuộc họp B, khảo sát chương trình C – vậy hãy cũng để vào lịch của mình 30 phút để ăn, 45 phút để tập thể dục – và nghiêm túc tuân theo lịch đó chứ không bỏ để lấp bằng một công việc.
Nếu bạn rất đam mê trong công việc, chứng tỏ bạn là một người có khả năng tìm tòi thông tin và nghiên cứu rất kỹ. Hãy dành một chút khả năng này cho việc tìm hiểu những thông tin về ích lợi của giấc ngủ, bữa ăn và thể dục trong cuộc sống hàng ngày – từ đó cải thiện thể chất của bạn tốt hơn.
Xin đừng hiểu nhầm bài viết này nói bạn không nên làm việc nhiều. Làm việc nhiều giúp bạn mang đến nhiều giá trị cho thế giới. Tuy nhiên nếu 10PM bạn vẫn ngồi làm việc, hãy chắc chắn hiểu rõ bạn đang làm việc này vì điều gì, và chắc chắn bạn có đủ sức khoẻ để làm việc đó.
___
Nếu bạn thấy mình đang gặp những ‘rắc rối’ trong nghề nghiệp, hãy đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh tại đây để gỡ rối nhé.