Giai đoạn chuyển giao năm cũ năm mới là lúc mọi người thường hay đặt những mục tiêu thay đổi bản thân và làm mới mình. Hẳn có nhiều bạn cũng giống, hay lấy cớ “tôi sẽ bắt đầu thay đổi” vào những dịp đầu như đầu tuần, đầu tháng, đầu năm hoặc là từ sinh nhật.
Những mục tiêu năm mới thường khiến chúng ta rất hào hứng khi viết ra nhưng sau cỡ 1-2 tuần là chúng ta quên luôn. Vấn đề của việc bỏ cuộc này một phần nằm ở cách đặt mục tiêu chưa đúng, một phần khác nằm ở việc chúng ta chưa có các bước thực hiện rõ ràng. Trong bài viết này, Tuấn Anh chia sẻ đến các bạn một số mục tiêu năm mới của Tuấn Anh trong các năm qua và cách mà mình đã thực hiện thành công các mục tiêu đó nhé.
1/ Mục tiêu cần gắn liền với giá trị cốt lõi
Chúng ta dễ bị cuốn theo những mục tiêu của xã hội và truyền thông: phải đọc nhiều sách, phải dậy sớm, phải tập thể dục, phải làm nhiều hơn, vân vân. Vấn đề là những mục tiêu đó chưa chắc đã gắn liền với giá trị sống của mình. Mỗi người mình có một giá trị sống và theo đuổi những điều khác nhau, dẫn đến mục tiêu cũng nên có sự khác nhau.
Việc bạn cần làm từ quan điểm hướng nghiệp đó là hãy suy nghĩ về 5 giá trị cốt lõi bạn theo đuổi. Từ giá trị cốt lõi của bản thân, bạn có thể có nhiều phương án đặt mục tiêu phù hợp với mình.
Ví dụ giá trị cốt lõi của bạn là sống tối giản, bạn có thể có mục tiêu tiết kiệm tiền thông qua việc hạn chế mua sắm hoặc ăn uống một cách có kiểm soát hơn.
Nếu mục tiêu của mình là dành thời gian cho bản thân, mình có thể chọn ngồi thiền 5 phút mỗi ngày hoặc đọc sách.
2/ Phải thật cụ thể bạn làm gì để đạt được mục tiêu đó
Vấn đề của nhiều bạn khi đặt mục tiêu đó là mục tiêu quá chung chung. Tôi muốn giảm cân, tôi muốn có nhiều tiền, tôi muốn có việc làm tốt. Để đạt được những mục tiêu trên, bạn phải trả lời thêm những câu hỏi thật cụ thể. Ví dụ nếu bạn muốn “có việc làm tốt” các câu hỏi bạn cần hỏi là Who – tôi nên gặp gỡ và tạo mối quan hệ với ai. What – tôi có kĩ năng, điểm mạnh gì?. Why – việc làm tốt với tôi được định nghĩa cụ thể như thế nào (xem thêm 7 tiêu chí đánh giá công việc tại đây). How – tôi cần chỉnh sửa CV như thế nào để ứng tuyển thành công. When – khi nào thì tôi sẵn sàng đổi việc và ứng tuyển công việc mới?
Bối cảnh rất quan trọng trong việc thực hiện được mục tiêu. Để có nhiều động lực hoàn thành mục tiêu, bạn nên tạo bối cảnh sao cho mọi thứ xung quanh mình đều đưa những thông tin liên quan đến việc đó. Ví dụ, nếu mục tiêu của mình đang là tìm việc, mình sẽ dành nhiều thời gian trên LinkedIn hơn Facebook và Tiktok. Trên LinkedIn mình sẽ theo dõi nhiều anh chị làm tuyển dụng. Trên Tiktok mình sẽ xem các hashtag như #tiktokhuongnghiep #learnontiktok. YouTube mình cũng sẽ tìm các video liên quan đến CV, phỏng vấn để rèn luyện kĩ năng này của mình.
Thường thì chúng ta dễ bị tham, muốn thực hiện nhiều mục tiêu cùng một lúc. Cách để hoàn thành mục tiêu tốt hơn là hãy chọn 1-2 mục tiêu chính trong 1 tháng, khi bạn đã làm xong hoặc cảm thấy việc đó nhuần nhuyễn như đánh răng mỗi ngày thì hãy chuyển sang mục tiêu khác.
3/ Chia nhỏ mục tiêu
Các mục tiêu năm mới thường xoay quanh việc thay đổi một thói quen nào đó của bản thân. Phải thừa nhận rằng việc rèn luyện một thói quen mới hoặc bỏ đi một thói quen cũ không phải là dễ, đó là lý do nhiều người bỏ cuộc sau vài ngày thực hiện mục tiêu. Giải pháp ở đây là bạn hãy chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ dễ thực hiện.
Ví dụ mục tiêu của bạn là “cải thiện sức khoẻ”, hãy bắt đầu từ việc “đi ngủ trước 12g khuya”, “ăn thêm rau trong các bữa ăn”, “thêm 10 cái hít đất mỗi ngày”. Những mục tiêu nhỏ và dễ làm giúp bạn có thêm động lực khi hoàn thành, nhìn được thành quả mỗi ngày, ít nản hơn.
Lấy ví dụ sang việc tiết kiệm, nếu mỗi ngày bạn bỏ ra 100K tiết kiệm thì dễ hơn là cuối tháng bỏ ra 3 triệu, cho dù là cơ bản thì tiền cũng giống nhau.
4/ Biến những mục tiêu nhỏ vui vẻ và có phần thưởng
Bình thường bạn đang không đọc sách, dậy sớm hay tập thể dục, tự nhiên phải làm những việc này mỗi ngày thì chỉ cảm thấy cực hình chứ chẳng sung sướng gì. Cảm xúc khó chịu như vậy khiến mình dần dần nản không muốn duy trì việc này nữa.
Giải pháp là hãy đính kèm những mục tiêu nhỏ với một phần thưởng hoặc điều gì đó vui vẻ với bản thân. Ví dụ đọc sách kèm một ly trà mình yêu thích. Nghe Podcast kèm với việc đi bộ. Tập thể dục một tuần thành công thì thưởng một bộ đồ mới.
Một giải pháp khác là rủ người khác làm chung mục tiêu và nhắc nhở nhau. Điều buồn cười là chúng ta thường dễ dãi với bản thân nhưng lại có trách nhiệm với người khác.
5/ Chuẩn bị bản thân cho tình huống thấy nản lòng
Dù có quyết tâm đến đâu, kiểu gì cũng có lúc mình nguội và nản. Cách chuẩn bị trước cho tình huống này là cho phép bản thân khi cần. Thay vì đặt mục tiêu mình sẽ làm việc đó mỗi ngày, cho phép bản thân nghỉ 1 ngày khi không ổn. Mình có nguyên tắc là không nghỉ 2 ngày liên tục, tức là thi thoảng bạn mệt quá nghỉ 1 ngày không sao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thi thoảng không thực hiện một ngày không có ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình thực hiện mục tiêu của bạn.
Tóm lại, việc có mục tiêu năm mới là rất tốt. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có những bước chuẩn bị để thực hiện các mục tiêu đó được lâu hơn và bền vững hơn, từ đó tạo ra phiên bản tốt hơn của bản thân.