Trong cuộc sống chúng ta có nhiều kiểu bạn bè khác nhau. Bạn bè xã giao, có thể đã gặp hoặc chưa gặp trên Facebook, nhóm này rất nhiều có thể lên đến cả nghìn người. Bạn bè thân thiết, có thể đủ tin tưởng đến tâm sự khi có chuyện buồn, nhóm này có thể chỉ có một vài người. Nhóm cuối cùng là những người có thể hỗ trợ trong việc nâng cao kĩ năng làm việc và giới thiệu được công việc đến chúng ta, nhóm này gọi là “mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp” hay “professional network”. Mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp của bạn càng tốt về chất lượng và số lượng bao nhiêu, bạn càng có nhiều cơ hội trong công việc bấy nhiêu.

Chia sẻ một chút câu chuyện cá nhân về hành trình làm việc của Tuấn Anh. Mình bắt đầu đi làm công việc đầu tiên toàn thời gian sau khi ra trường tại Đại học RMIT ở phòng hướng nghiệp. Sau đó mình có nhiều cơ hội trải qua các vị trí khác nhau về truyền thông, giáo dục và hướng nghiệp tại các đơn vị như UNESCO-CIC, Đại học Văn Lang, công ty TopCV, công ty Novaland… Điều thú vị là chỉ có duy nhất công việc đầu tiên thực tập là mình nộp đơn ứng tuyển thôi, còn lại các công việc khác mình đều được giới thiệu. Người giới thiệu là bạn học cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ, rất đa dạng. Thế mới thấy mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp quan trọng đến nhường nào.

Vậy làm sao để xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp tốt, mình viết lại bài viết này ‘recap’ những gì mình đã chia sẻ cùng các bạn sinh viên trong sự kiện “How to build your professional network” tại University Access Centre Vietnam ngày 01/03/2023.

1/ Bạn cần hiểu rõ bản thân trước khi đi xây dựng mối quan hệ

Có rất nhiều các ‘kĩ thuật’, chiến thuật, phương pháp và cách thức để bạn xây dựng mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên theo mình việc đầu tiên bạn cần làm là hiểu rõ bản thân mình. Biết rõ bản thân mình có điểm mạnh điểm yếu gì, phong cách giao tiếp ra sao, thích và không thích kiểu người như thế nào, có thể nói chuyện về những chủ đề gì, có thể mang lại lợi ích gì cho người khác. Càng hiểu rõ bản thân bao nhiêu bạn càng có thể tiếp cận việc xây dựng mối quan hệ tốt hơn bấy nhiêu.

Ví dụ một trong những điểm mạnh của mình là viết lách, và bản thân mình là người hướng nội. Mình lười và ngại trong việc tham gia các sự kiện đông người. Biết được việc này nên mình tận dụng điểm mạnh của bản thân để xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp trên môi trường trực tuyến. Mình tham gia nhiều các sự kiện trực tuyến, nhắn tin với mọi người trên Facebook và LinkedIn, làm việc trực tuyến. Đó là lý do có rất nhiều người dù đã làm việc với nhau 2-3 năm qua nhiều sự kiện nhưng mình thú thật là chưa gặp người đó bao giờ.

Để hiểu rõ bản thân các bạn có thể bắt đầu với mô hình SWOT. Mô hình SWOT nếu bạn nào học về kinh tế thì chắc không còn xa lạ gì. Đây là một mô hình dùng để tự đánh giá Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (mối đe doạ) mà bạn đang có. Điểm mạnh và điểm yếu là những gì có bên trong bạn, thuộc về bạn. Cơ hội và mối đe doạ là những gì đang diễn ra bên ngoài, ở xã hội. Hình ảnh dưới đây là một ví dụ mô hình SWOT.

Ngoài mô hình SWOT ở trên, bạn có thể thử làm thêm bài trắc nghiệm Holland hoặc bài test tính cách theo MBTI (tiếng Anh) để hiểu thêm về phong cách giao tiếp của mình.

2/ Các cách để bạn xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp

Có rất nhiều cách khác nhau để bạn xây dựng và mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp cho bản thân.

2.1 Tham gia các sự kiện kết nối. Thông thường các tổ chức nghề nghiệp hoặc các hiệp hội công ty thường tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp, các sự kiện ‘networking’ để giao lưu những người đang làm trong ngành. Nếu bạn đang quan tâm đến một mảng lĩnh vực nào đó, bạn có thể tìm các hiệp hội trong lĩnh vực đó và theo dõi các chương trình networking như vậy. Ví dụ trong ngành Marketing có cộng đồng UAN thường tổ chức các sự kiện gặp mặt, hay trong ngành nhân sự thì có cộng đồng VNHR rất mạnh.

2.2 Tìm hiểu và làm quen với các giảng viên. Một số giảng viên tại trường đại học có mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp rất tốt với những người làm trong doanh nghiệp. Nếu bạn học tốt, có mối quan hệ tốt với giảng viên, bạn có thể liên hệ giảng viên giới thiệu đến những người bạn trong mối quan hệ của họ đang làm việc tại những lĩnh vực bạn đang quan tâm.

2.3 Kết nối trực tuyến. LinkedIn là nền tảng ổn nhất để mạng tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp. Tuấn Anh từng viết một số bài về hướng dẫn sử dụng LinkedIn tại đây. Ngoài ra, bạn có thể hoàn toàn thử các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble – biết đâu may mắn chưa tìm được người yêu nhưng sẽ tìm được đối tác làm việc.

2.4 Tham gia các sự kiện ảo. Từ khi Covid-19 xuất hiện, rất nhiều các sự kiện chuyên ngành đã chuyển sang tổ chức trực tuyến. Việc này rất là tiện cho việc bạn có thể ngồi ở bất kì đâu mà vẫn có thể tham gia và kết nối với người khác. Một tip cho các bạn khi tham gia các sự kiện là đừng chỉ nghe, hãy cố gắng lấy thông tin liên hệ của các diễn giả, về nhà nhắn cho họ một tin hoặc gửi cho họ một email cảm ơn.

2.5 Tiếp cận cựu sinh viên. Một số trường có mạng lưới cựu sinh viên rất tốt, đang làm việc và giữ những vị trí cấp cao tại các công ty. Bạn có thể tìm cách tiếp cận với mạng lưới cựu sinh viên này và tham gia vào các chương trình gặp mặt cựu sinh viên để kết nối.

3/ Tập giới thiệu bản thân ngắn gọn trong 30 giây, 1 phút

Đặc thù của các chương trình Networking là bạn không có nhiều thời gian để nói chuyện cùng với một người; mục đích chính của chúng ta trong các buổi đó là nói chuyện với nhiều người, sau đó có ai phù hợp thì về nhà chúng ta sẽ hẹn để nói chuyện sâu hơn. Lấy ví dụ bạn tham gia một ngày hội nghề nghiệp tại trường, có 40 doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp bạn chỉ có thể đi qua và dành 1-2 phút giới thiệu về bản thân. Chính vì vậy để xây dựng mạng lưới quan hệ tốt, bạn nên bắt đầu chuẩn bị một phần giới thiệu ngắn gọn về bản thân trong khoảng 30 giây đến 1 phút để có thể xài ngay bất kỳ lúc nào. Một đoạn giới thiệu ngắn về bản thân nên có các ý sau:

  • Bạn đang làm công việc gì, nói qua một chút về công việc đó.
  • Bạn có những điểm mạnh gì trong công việc?
  • Bạn có thể đem lại điều gì cho người khác hoặc đang mong muốn điều gì?

Ví dụ khi Tuấn Anh tham gia một sự kiện trong ngành giáo dục và gặp một người mới, Tuấn Anh có thể giới thiệu:

Chào bạn, mình là Tuấn Anh, hiện đang làm công tác định hướng nghề nghiệp. Công việc chính của mình là tư vấn 1-1 cho sinh viên, cha mẹ và người đi làm, giảng dạy các chương trình hướng nghiệp tại đại học và doanh nghiệp. Mình đang tìm kiếm cơ hội kết nối cùng các anh chị làm hướng nghiệp”.

4/ Bạn cần có một bảng theo dõi mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp

Khi bạn bắt đầu tạo dựng mối quan hệ tốt và có trong tay khoảng trăm, thậm chí ngàn người trong mối quan hệ chuyên nghiệp, bạn sẽ không nhớ được hết tất cả mọi người đâu. Đây là lúc bạn cần sử dụng công nghệ để ghi nhớ giúp cho bạn. Bạn nên dùng Excel, hoặc Notion, hoặc một phần mềm nào đó tạo một bảng CRM theo dõi những người bạn đang gây dựng mối quan hệ. Trong bảng đó bạn cần có các thông tin như:

  • Thông tin cá nhân (tên, vị trí làm việc, công ty, điện thoại, email)
  • Địa chỉ mạng xã hội (LinkedIn, Facebook)
  • Thời gian gặp gỡ
  • Nội dung trò chuyện trong buổi gặp gỡ
  • Mục đích (bán hàng, giới thiệu việc làm..)
  • Các cột khác tuỳ ý bạn.

Dưới đây là hình ảnh ví dụ về một bảng theo dõi được tạo trên Notion.

Trên đây là một số tips để xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp tốt hơn.

Chúc các bạn thành công.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: