Không dưới một lần khi làm tư vấn hướng nghiệp, Tuấn Anh nghe các bạn tâm sự về việc đi làm không có đam mê, làm cho có việc, làm cho qua ngày vậy thôi chứ không biết mình thích và mê cái gì. Các bạn cảm thấy lo lắng vì thấy xung quanh có nhiều người mê việc họ làm, sống cháy trọn vẹn trong công việc. Các bạn lo lắng không biết tương lai của mình sẽ như thế nào.
Với những trường hợp này Tuấn Anh thường cung cấp cho các bạn một số ‘sự thật’ kèm theo một vài giải pháp để xử lý. Nếu bạn cũng đang giống trường hợp trên, mời bạn đọc tiếp bài viết này nhé.
Những người nào thường gặp các vấn đề giống như vậy?

Lý thuyết hướng nghiệp Mật mã Holland chia chúng ta ra làm 6 kiểu người với 6 nhóm tính cách khác nhau. Mỗi nhóm tính cách lại có suy nghĩ, hành động và mối quan tâm khác nhau. Có một số nhóm Tuấn Anh thường gặp trong phòng tư vấn hướng nghiệp và nói về vấn đề không tìm thấy đam mê ở trên đó là:
Nhóm nghiên cứu là những người suy nghĩ nhiều. Đây là các bạn thích đào sâu tìm hiểu về vấn đề, trong đó có cả vấn đề công việc và định hướng nghề nghiệp cá nhân. Vì các bạn thích đào sâu nghiên cứu nên các bạn khó hài lòng với bản thân và những gì mình đang có, luôn cảm thấy không đủ, vì vậy dễ dẫn đến việc chưa thực sự cảm thấy đam mê với việc mình làm.
Nhóm nghiệp vụ là những người thích sắp xếp tổ chức, cả trong công việc và trong cuộc sống. Những bạn này thích vạch ra một lộ trình rõ ràng cho việc học tập và làm việc, từng bước thăng tiến cụ thể và tên công việc, vai trò cụ thể theo mỗi giai đoạn cuộc đời. Vì mong muốn rõ ràng như vậy nên khi phải làm việc ở những môi trường chưa chuyên nghiệp, hoặc làm các công việc ở giai đoạn mới ra trường dễ làm các bạn cảm thấy hoang mang lạc lối.
Nhóm xã hội và nghệ thuật hay tiếp xúc với mọi người và giàu cảm xúc. Vì làm các công việc tiếp xúc nhiều với người khác, các bạn thuộc 2 nhóm này dễ bị ảnh hưởng bởi sự thành công của người khác. Nhìn xung quanh thấy mọi người ai cũng giỏi và tài năng, ai cũng đang khoe về công việc của họ khiến cho các bạn thuộc nhóm này dễ cảm thấy tự ti khi so sánh với họ.
Bạn có thuộc các nhóm trên không?
Vì sao bây giờ mọi người quan trọng việc tìm đam mê thế?

Tại sao bố mẹ, anh chị mình thế hệ trước không đề cập mấy về đam mê, mà cứ cần mẫn làm việc rồi vẫn thành công, mua nhà, mua xe, nuôi lớn chúng ta. Còn thế hệ chúng ta bây giờ lại lo lắng nhiều đến thế về vấn đề đam mê nhỉ?
Lý do đầu tiên là bối cảnh xã hội bây giờ đã khác. Theo tháp nhu cầu Maslow (ở hình trên), vấn đề đầu tiên con người cần giải quyết là cái ăn, cái ngủ, cái mặc. Những thế hệ trước khi xã hội còn khó khăn, mọi người phải làm gì trước tiên để không đói, không nghèo trước đã, nên chưa quá quan trọng việc làm đúng đam mê. Thời hiện nay thừa nhận một cách thẳng thắn, các bạn trẻ ở thành phố khó mà có thể thiếu ăn, thiếu mặc hay thiếu giường để ngủ. Hoàn cảnh tốt hơn cho phép chúng ta được nghĩ đến những vấn đề lớn lao hơn, trong đó có đam mê công việc. Vậy nên mới thấy một nghịch lý là những bạn xuất phát nghèo thì làm việc rất chuyên tâm, còn các bạn gia đình ổn một chút thì nhiều bạn lại đắn đo hoài chưa biết chọn việc gì. Nói vậy không phải ý rằng nghèo là tốt giàu là không tốt, mà để các bạn hiểu về hoàn cảnh của bản thân mình cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý chúng ta.
Lý do thứ hai là mạng xã hội và các chương trình hướng nghiệp cũng ảnh hưởng phần nào. Mọi người nói quá nhiều về đam mê, nâng cao tầm quan trọng của việc này, các bạn trẻ làm nội dung Tiktok cũng nói quá nhiều, khiến những người xung quanh bị áp lực đồng đẳng. Càng sử dụng nhiều mạng xã hội và đọc các tin tức trên các trang thông tin mạng, hoặc tham gia các sự kiện hội thảo về chủ đề này, chúng ta càng dễ bị rơi vào cái bẫy so sánh này.
Thực tế thì chẳng có quá nhiều người đam mê với công việc như thế. Bạn thử hỏi thật lòng 10 người bất kì xung quanh, xem có quá nổi 50% dám khẳng định họ thực sự đam mê với nghề họ đang làm hay không?
Nếu không có đam mê trong công việc, mình có thể làm gì?
Thực ra, không phải ai cũng đam mê công việc đâu. Sống trên đời này đâu phải chỉ để làm việc đúng không các bạn. Theo lý thuyết mà nói, chúng ta chỉ đi làm 8 tiếng thôi (dù thực tế nhiều hơn), thời gian còn lại trong ngày chúng ta dành cho những mối quan tâm khác như gia đình, bạn bè, thú vui cá nhân. Vậy nên nếu bây giờ bạn đang không đam mê cái nghề bạn đang làm, chẳng sao cả. Dưới đây là một vài giải pháp cho bạn:
Tìm đam mê ở một giá trị sống để theo đuổi. Một giá trị sống lớn lao hơn là tên một công việc. Để đạt được một giá trị sống chúng ta có thể làm nhiều cách khác nhau. Một người thích giúp đỡ người khác có thể chọn làm các công việc giúp đỡ như tư vấn hướng nghiệp, giáo viên, hoặc chọn làm từ thiện sau giờ làm. Một người đam mê cái đẹp có thể chọn làm nghệ thuật, hoặc chọn dành thời gian tối và cuối tuần để thưởng thức hội hoạ. Có nhiều giá trị sống khác nhau, mỗi người ở mỗi thời điểm khác nhau cũng có cho mình những giá trị khác nhau. Bạn có thể đọc bài viết về giá trị công việc của Tuấn Anh để tìm hiểu xem giá trị mình theo đuổi là gì.
Tìm đam mê ở một phần trong công việc. Bạn có thể không hoàn toàn đam mê công việc đó, nhưng bạn có thể thích và thấy vui với một phần trong công việc. Ví dụ bạn không thực sự thích công việc Marketing đang làm tại công ty, nhưng để làm việc thì bạn vẫn ổn vì đồng nghiệp tốt và vui vẻ. Hoặc bạn không thực sự thích bán hàng, nhưng nó đang đem lại nguồn thu nhập tốt cho bạn. Trong một bài viết về cách xác định công việc phù hợp với mình, Tuấn Anh đã chia sẻ về 7 yếu tố ảnh hưởng đến sự vui vẻ của bạn trong công việc là Kĩ năng, Kiến thức, Lương, Con người, Vị trí địa lý, Môi trường làm việc và Giá trị công việc, bạn thử dành thời gian ngâm cứu xem với mỗi tiêu chí mình thích điều gì và trong công việc hiện tại mình có được đáp ứng điều đó không nhé.
Tìm đam mê ở một điều gì đó khác bên ngoài công việc. Như đã nói ở trên, thực ra công việc không phải là thứ duy nhất tồn tại trên đời này. Tuấn Anh có những người bạn đam mê của bạn ấy là chăm sóc gia đình, chơi với con. Hay ngoài kia có rất nhiều người đam mê trải nghiệm, đam mê ăn uống, đam mê thiền… Vậy nếu hiện tại bạn chưa có đam mê trong công việc, hãy thử tìm một đam mê ở bên ngoài công việc xem sao. Để làm được việc này, bạn phải làm sao để ngoài thời gian làm việc, bạn có thời gian riêng cho mình. Thời gian này bạn sử dụng để chăm sóc bản thân, hoặc chăm sóc người khác, học thử thêm những thứ bạn thích, ra khỏi vùng an toàn và làm một số điều mới mẻ.
Khi có thành tựu, đam mê sẽ lớn dần
Có nhiều đam mê không phải tự nhiên mà có, mà nó lớn dần theo năm tháng khi người đó có thành tựu trong công việc. Vậy nên bạn phải thử, làm và sai. Nếu làm sai bị chửi mắng bạn vẫn muốn làm – đó là đam mê. Hãy nhìn những người khởi nghiệp. Càng làm càng có thành tựu, bạn sẽ càng đam mê hơn.
Trước đây Tuấn Anh chỉ ‘hơi hơi’ đam mê hướng nghiệp thôi. Tuy nhiên khi được nhiều người công nhận về khả năng, được mọi người khen, được chia sẻ nhiều và có các thành tựu thì từ từ Tuấn Anh lại đam mê nhiều hơn nữa.
Trên đây là một số chia sẻ về cách giải quyết vấn đề đam mê trong công việc. Chúc các bạn thật bình an.
Nếu bạn cần tư vấn hướng nghiệp, hãy đăng ký cùng Tuấn Anh tại đây.