Trong bài viết này mình muốn chia sẻ một số góc nhìn hướng nghiệp về việc xây dựng lộ trình phát triển công việc và tìm kiếm công việc phù hợp cho các bạn học ngành rộng, ngành ‘chung chung’ như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh quốc tế, Thương mại hay các ngành tương tự.

Sở dĩ mình gọi tên các ngành trên là các ngành học rộng vì lượng kiến thức dàn trải và rộng. Ví dụ một bạn học Quản trị kinh doanh có thể học về nhiều thứ khác nhau như hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm quản lý chiến lược, quản lý tài chính, quản lý sản phẩm, quản lý nguồn nhân lực, quản lý tiếp thị, quản lý chuỗi cung ứng và nhiều lĩnh vực khác.

Khác với những bạn học ngành ‘hẹp’ như Nhân sự thì ra trường tập trung làm Nhân sự, Luật thì làm Luật, Kế toán thì làm Kế toán – các bạn học những ngành rộng kể trên thường băn khoăn nhiều về định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường. Với lượng kiến thức rộng học được ở trường, nghề nào bạn cũng có thể cảm thấy làm được, nhưng lại không cảm thấy thực sự chuyên sâu vào nghề nào.

Vậy phải làm thế nào để giải quyết vấn đề trên? Làm sao để những bạn học các ngành rộng có thể xây dựng được cho bản thân một lộ trình phát triển sự nghiệp bền vững sau khi ra trường.

1/ Không so sánh với người khác

Một trong những lý do Tuấn Anh thường gặp và tư vấn hướng nghiệp cho các bạn ở những ngành như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh là vì các bạn cảm thấy áp lực so sánh với bạn bè sau khi ra trường. Các bạn thấy bạn bè ra trường tìm được công việc đúng ngành học, trong khi bản thân vẫn còn loay hoay không biết đi hướng nào.

Như đã nói ở trên, đặc thù mỗi ngành học khác nhau, phù hợp với tính cách của mỗi người khác nhau. Những bạn học ngành ‘hẹp’ chuyên môn vào một mảng nếu ra trường làm đúng ngành thì sẽ dễ dàng tìm việc hơn so với những bạn học ngành ‘rộng’. Tuy nhiên ‘điểm trừ’ có thể là những bạn học ngành ‘hẹp’ không có nhiều cơ hội trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, hoặc khó thích nghi hơn với những ngành trái ngành học. Ví dụ một bạn học Luật nếu chán Luật muốn chuyển qua làm kinh doanh, Marketing có thể vất vả hơn so với một bạn học Quản trị kinh doanh.

Tóm lại là mỗi người một con đường đi và một kiểu tính cách khác nhau, chưa kể mục tiêu hướng đến cũng khác nhau. Thay vì dành thời gian so sánh con đường của mình với con đường của người khác, bạn hãy dành thời gian xây thật vững con đường của mình. Nếu bạn học ngành rộng, bước tiếp theo cần làm gì để tìm được công việc phù hợp cho mình.

2/ Xác định các thế mạnh và những quan tâm của bản thân

Các ngành học rộng như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh đào tạo cho bạn rất nhiều kĩ năng khác nhau. Tuy nhiên trong số những kĩ năng và kiến thức được học, bạn có thể thấy giỏi ở một nhóm kĩ năng và không giỏi ở nhóm kĩ năng còn lại. Việc bây giờ bạn cần làm là viết ra một danh sách các kĩ năng và kiến thức mình có cho đến thời điểm hiện tại. Đừng bao giờ có suy nghĩ hay nói rằng “mình không giỏi gì“, vì nếu bạn còn không thấy điểm mạnh ở bản thân, làm sao bạn thuyết phục được người khác cho bạn công việc. Mình tin khi bạn đọc bài viết này bạn đã khoảng 20 tuổi trở lên (hoặc có thể có một số em học sinh cấp 3), sống trên đời ngần ấy năm, chắc chắn sẽ giỏi hoặc khá hơn một nhóm người xung quanh ở kĩ năng nào đó.

Để biết mình giỏi và quan tâm điều gì, bạn có thể làm 2 bước sau:

  • Bước 1: Xây dựng một danh sách các điều bạn đang tìm kiếm liên quan đến 7 yếu tố chọn công việc. Bạn giỏi kiến thức, kĩ năng gì? Bạn tìm kiếm môi trường làm việc và mức lương như thế nào? Bạn coi trọng giá trị gì?
  • Bước 2: Vào website ngành học của trường bạn đang học, kéo xuống phần các nghề nghiệp gợi ý từ nhà trường và xem trong danh sách đó bạn quan tâm đến lĩnh vực nào.

Ví dụ, mình từng tư vấn một bạn học thạc sĩ kinh doanh quốc tế băn khoăn không biết làm gì khi ra trường. Sau khi được tư vấn, bạn liệt kê một số điểm mạnh bao gồm thuyết phục người khác, tư vấn, kiến thức tài chính, tổ chức sự kiện. Khi xem website giới thiệu ngành Kinh doanh quốc tế, bạn nói bạn quan tâm đến các công việc như business development, investment and operations, management consultant. Từ những thông tin trên của bạn, chúng ta đến với bước số ba bên dưới.

3/ Nối những thế mạnh và quan tâm với các tin tuyển dụng, không đi tìm tên một công việc hay tên một lĩnh vực phù hợp

Với những bạn đang học các ngành rộng, để bớt áp lực cho bản thân, hãy bỏ đi suy nghĩ phải tìm được một ngành nghề hay một công việc cụ thể để theo đuổi cả đời sau khi ra trường. Lý do là vì với lượng kiến thức các bạn đang có, có rất nhiều cơ hội cho các bạn có thể làm – việc cứ phải khăng khăng đi tìm ra một cái tên lại giới hạn đi những cơ hội cho mình.

Thay vì đi tìm một cái tên cụ thể, hãy dành thời gian tìm ra những gì mình đang giỏi và quan tâm ở thời điểm hiện tại (ở bước số 2). Sau khi đã có danh sách rồi, bạn bắt đầu tìm kiếm tên các công việc trên các trang tuyển dụng dựa trên các từ khoá đã có.

Quay lại ví dụ với bạn thạc sĩ ở trên, một trong những lĩnh vực bạn quan tâm là business development. Bạn có thể lên một trang tìm việc bất kì như TopCV, Vietnamwork và gõ từ khoá này vào thanh tìm kiếm sau đó đọc thật kĩ các Job Description khác nhau. Các bạn cần hiểu là đôi khi cùng một title công việc nhưng đặc thù công việc khác nhau, phụ thuộc vào công ty. Chính vì vậy các bạn cần đọc kĩ Job Description.

Khi đọc Job Description, các bạn thấy các gạch đầu dòng hợp với mình khoảng 60-70%, cảm thấy mình có thể làm được – đó có thể là công việc các bạn nộp vào thời điểm hiện tại. Nếu may mắn qua vòng hồ sơ, trong buổi phỏng vấn bạn có thể tìm hiểu thêm về mức lương, văn hoá doanh nghiệp xem có phù hợp với những gì bạn liệt kê trong bước 2 hay không.

4/ Sẵn sàng cho sự thay đổi

Kể cả khi bạn đã vào làm việc cho một doanh nghiệp, bạn vẫn có thể ‘tơ tưởng’ đến công việc khác, không cảm thấy thoả mãn 100% với công việc mình đang làm là việc hoàn toàn bình thường. Chúng ta là những người thích nhiều thứ, học nhiều, nên việc khó hài lòng 100% với một thứ gì đó là lẽ đương nhiên. Đến bước này có một số điều bạn nên cân nhắc.

Cam kết: Bạn có thể mất nhiều thời gian để chọn một công việc, nhưng khi đã quyết định nhận việc ở một nơi nào đó, hãy cố gắng cam kết ít nhất 6 tháng, 1 năm cho công việc đó. Cần nhiều thời gian để bạn thực sự biết mình hợp hay không hợp. Khi đi làm việc gặp những khó khăn trở ngại cũng là điều đương nhiên.

Làm nhiều việc cùng lúc: Tuỳ theo đặc thù công việc, bạn có thể cân nhắc có thêm một công việc freelance bên cạnh một công việc chính, đây là cách để vừa có thêm thu nhập vừa được thoả mãn sự làm nhiều thứ của bản thân.

Trên đây là một số chia sẻ về phương pháp hướng nghiệp cho người học các ngành rộng, chúc các bạn thành công.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.