Nhân chuyến Jack Ma sang Việt Nam tham gia APEC, trong cuộc đối thoại với giới trẻ ở Hà Nội đã phát biểu rất nhiều câu tâm đắc và được nhiều báo mạng trích dẫn lại, mình cũng xin phép ‘a dua’ theo để viết một bài viết về những câu nói này.
Khoan bàn đến chuyện mục đích của Jack Ma là gì, việc cuồng Jack Ma quá là tốt hay xấu (như nhiều tranh luận trên mạng xã hội gần đây), mình sẽ viết về quan điểm và những câu chuyện cá nhân của bản thân liên quan đến những câu ‘quote’ hay ho của Jack Ma trong buổi diễn thuyết của Jack Ma tại Việt Nam. Bạn nào chưa có điều kiện xem buổi diễn thuyết có thể xem ở link bên dưới:
Và đây là tổng hợp ‘10 câu nói hay của Jack Ma‘ và một vài ý kiến có thể hay hoặc không có mình với những câu nói này.
1. “Người thành công không bao giờ phàn nàn”.
Câu này mình rất đồng ý. Bạn bè quen biết mình đều nhận xét mình là một người rất lạc quan trong mọi vấn đề. Quan điểm của mình rất dễ hiểu, nếu mọi chuyện đã đi sai hướng rồi, việc phàn nàn, đổ lỗi, đau khổ không giải quyết được gì cả. Ví dụ làm việc nhóm đi, chẳng hạn dự án có vấn đề gì đó, việc đổ lỗi cho nhau khi vẫn đang làm việc chỉ làm cho không khí nặng nề hơn thôi, thay vào đó hãy động viên nhau, nói những điều tích cực về nhau để cùng nhau vượt qua. Và sau khi kết thúc dự án, chúng ta có thể ngồi với nhau để cùng nhau ‘phàn nàn’.
Nói chung là phàn nàn không phải là không tốt, nó giúp ta nhìn ra chỗ nào ta cần cải thiện, nhưng hãy học cách ‘phàn nàn có kiểm soát’ thay vì ‘phàn nàn bởi cảm xúc’.
2. “Không có ai là siêu anh hùng, muốn thành công, bạn phải thực tế”.
Mình nói thật là mình chưa hiểu ý sâu xa của câu này lắm, có thể là phải đặt vào một hoàn cảnh nào đó thì sẽ dễ hiểu hơn. Vậy nên mình sẽ đặt câu nói này vào hoàn cảnh của bản thân mình và các bạn sinh viên bây giờ.
Mình thấy nhiều chương trình sinh viên hiện nay có mục đích rất tốt, ví dụ một số chương trình sinh viên hay kêu gọi chúng ta cùng hướng đến mục tiêu mấy chục điều hay mười mấy điều phát triển bền vững, rồi kĩ năng lãnh đạo mang tầm quốc tế chẳng hạn. Những thứ này cực kỳ tốt, nhưng mình nghĩ nó chỉ tốt khi ta đã quản lý bản thân tốt thôi.
Nói lòng vòng thì ý mình là, trước khi nghĩ đến chuyện phát triển xã hội, phát triển thế giới, hãy phát triển và kỉ luật bản thân mình trước. Bản thân mình đã có lối sống khoa học chưa, mình ra đường đã tuân thủ luật giao thông, không vứt rác bừa bãi hay chưa?
3. “Tiền rất quan trọng, không có tiền thì bạn không hạnh phúc được, nhưng tiền không khiến bạn hạnh phúc trọn vẹn. Cái bạn cần là thành tựu”.
Cái này thì đồng ý hoàn toàn. Làm gì thì làm, mục đích cao cả đến đâu thì cũng phải có tiền. Ví dụ như mình hay các anh chị mình quen làm các dự án phi lợi nhuận, hoàn toàn miễn phí – nhưng để sống được và trả tiền hoá đơn hàng tháng, mình và các anh chị khác vẫn phải nhận những dự án ngoài lề để có thêm thu nhập. Với câu nói này mình muốn nói về hai ý:
Số 1: Khi ta làm một công việc nào đó, hãy hỏi bản thân mình Why?, tại sao mình lại làm công việc này, nó có ý nghĩa gì với bản thân, với xã hội? Ví dụ mình chọn hướng nghiệp vì mình thoả mãn bản tính ‘thích giúp đỡ người khác’ và mình thấy công việc của mình mang lại giá trị thực tiễn cho xã hội.
Số 2: Ta hãy tập ‘trả phí’ cho những gì giá trị. Các khoá học, các tài liệu, các sách hay ho – nếu bạn trả tiền cho những thứ đó, là một cách tôn trọng tác giả và giúp tác giả mang đến những tài liệu hay hơn nữa.
4. “Sau mỗi thất bại, tôi về nhà và ngủ. Mai sẽ là một ngày khác để chiến đấu”.
Dù thất bại hay không, tối nào mình cũng về nhà ngủ. Và trước khi ngủ lúc nào mình cũng ‘reset’ não để bắt đầu một ngày mai tốt hơn.
Nhiều bạn cứ phàn nàn rằng mình sống 20-30 năm trên đời vô dụng, chưa làm được cái gì – tại sao không nhìn vào mặt tích cực và lạc quan hơn, là ta còn những 50-60 năm phía trước để phấn đấu làm lại từ đầu cơ mà.
5. “Nếu khóc có thể giải quyết các vấn đề của tôi, tôi sẽ khóc cả ngày. Nhưng tôi phải tự làm cho tôi vui vẻ. Tôi tự tay này xoa tay kia ấm lên”.
Câu này cũng đại ý giống câu một, nếu bi quan không giải quyết được vấn đề, vậy bi quan để làm gì?
Và mình đoán ý hai của câu nói này nói về việc tự bản thân mình phải học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, đừng trông cậy vào và cũng đừng bị ảnh hưởng bởi người khác. May mắn thì ta được người khác khen, ta vui vẻ. Còn không may thì bị chê, ta sẽ buồn cả ngày. Việc một người khen hay chê ta, ta có thể kiểm soát được không?
Mình có học được một câu rất hay khi tham gia khoá học DISC đó là ‘Tâm ai người đó biết’, đừng cố gắng kiểm soát việc người khác nghĩ gì về mình, hãy kiểm soát cách mình đối mặt với những lời nói đó.
6. “Chúng ta học được rất ít từ thành công của người khác, nhưng sẽ học được rất nhiều từ thất bại của họ”.
Đồng ý. Thành công thường được nhìn nhận một cách hời hợt, vì các bài báo thành công nhan nhản mà chúng ta cứ nghĩ là hôm nay cố một tí, ngày mai sẽ thành công luôn. Ta nào đâu biết đằng sau mỗi tấm gương thành công là vô vàn các yếu tố khách quan khác ví dụ như hàng năm trời luyện tâm, gia cảnh gia đình giàu có, có sự hỗ trợ của chính phủ, vân vân và mây mây.
Vậy nên mình mới mở ra một chương trình tên là Quỡn Nói Chuyện Chơi, nơi mình mời những người từ những ngành nghề khác nhau về chia sẻ khó khăn trong công việc của họ. Trong group Viết 100 từ cũng có rất nhiều bạn chia sẻ những câu chuyện công việc cá nhân của các bạn ấy.
7. “Đừng mong chờ thành công sẽ đến với bạn ngay vào tháng sau, năm sau. Bạn có thể sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho 10 năm sau”.
Vậy nên, có những mục tiêu sẽ khó nhìn thấy đích đến, động lực để ta hoàn thành mục tiêu đó là việc ta thực hiện nó mỗi ngày.
Ví dụ thay vì đặt mục tiêu Tập Gym 6 Múi hay Học Tiếng Anh Giỏi mà không biết bao giờ đạt được, ta đặt những mục tiêu nhỏ như Mỗi ngày 30 phút tập thể dục hay Mỗi ngày học 20 từ mới, một tháng một năm sau nhìn lại, ta sẽ thấy mình tiến bộ hơn hẳn.
8. “Tôi không nghĩ tôi thông minh hơn các bạn. Tôi đã trượt 3 lần cho kỳ thi đại học. Nhưng tôi không từ bỏ, thất bại, tôi lại làm lại”.
Bản thân tớ nghĩ các bạn đừng thần thánh hoá câu chuyện này quá. Thử nhìn lại bản thân mình xem, mình đã thất bại bao nhiêu lần rồi, và từ những lần đó, mình đã rút ra bài học gì chưa hay lần sau vẫn lặp lại thất bại đó?
Ví dụ mình cũng thi trượt đại học, mình cũng phỏng vấn mấy chục nơi không nơi nào nhận. Nhưng khi trượt đại học, mình may mắn tìm ra một môi trường khác phù hợp với mình hơn. Mỗi lần phỏng vấn trượt một chỗ, mình lại biết được mình đang yếu chỗ nào để cải thiện.
9. “Trước 20 tuổi, việc quan trọng nhất của bạn là học giỏi. 20 – 30 tuổi, hãy tìm một người sếp tốt, đừng tìm một công ty tốt. 30 – 40 tuổi, muốn làm gì thì hãy làm. 50 tuổi, hãy làm thứ bạn giỏi nhất. 50 – 60 tuổi, trao cơ hội cho người trẻ. Ngoài 60, hãy dành thời gian cho các cháu”.
Jack Ma có một kế hoạch dài hơi rất tốt, bạn hãy tham khảo, chứ đừng tin hoàn toàn. Cuộc đời mỗi người do chính chúng ta tự quyết, miễn sao ta thấy hạnh phúc nhất là được. Có người 50-60 tuổi vẫn cống hiến cho một công ty, đơn giản là vì họ thấy hạnh phúc khi làm công việc đó, có sao đâu.
10. “Khi tôi khởi nghiệp, tôi hay hỏi đồng nghiệp mỗi khi gặp khó khăn. Lúc công ty lớn hơn rồi tôi vẫn hỏi đồng nghiệp của tôi. Đó là làm việc nhóm, không chỉ là làm việc này việc kia với nhau. Tôi không bao giờ che giấu điều gì với đồng nghiệp của mình, chúng tôi thảo luận với nhau một cách cởi mở và thẳng thắn.
Nói ngắn gọn lại là các bạn trẻ ơi, muốn biết cứ thẳng thắn hỏi, đừng ngại gì cả. Có rất nhiều bạn inbox cho mình hỏi cái này cái kia, và mình luôn sẵn sàng trả lời, trả lời xong mình còn rất nhớ bạn đó nữa – nếu bạn đó hỏi hay. Mình nghĩ các anh chị giỏi khi tham gia hội thảo hay khi viết lách chia sẻ họ cũng rất sẵn lòng trả lời các giải đáp, nên hãy hỏi nhiều vào nhé.
5 bình luận cho “Em học được gì từ Jack Ma?”
(y)
ThíchThích
[…] Em học được gì từ Jack Ma? […]
ThíchThích
[…] Em học được gì từ Jack Ma? […]
ThíchThích
[…] Em học được gì từ Jack Ma? […]
ThíchThích
[…] Em học được gì từ Jack Ma? […]
ThíchThích