Một trong những thói quen mình quan tâm nhất là thói quen ăn uống, bởi ăn là một hoạt động lặp đi lặp lại mỗi ngày (ít nhất 3 lần), và còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng của các hoạt động khác.

Khi đi làm ở công ty, mình quan sát thấy rằng mọi người thường ăn một cách nhanh, lẹ, chụp giựt. Ăn cho xong, để còn kịp cắm cúi làm việc tiếp. Có khi phải ăn nhanh để đi họp, nên ăn xong mà chẳng biết mình ăn gì – vừa ăn xong đã thấy đói.

Trong 2 năm qua khi thực hành lối sống tối giản và tìm hiểu thêm về phật giáo, mình đã thực hành theo lối ăn chánh niệm và nhận được rất nhiều lợi ích.

LỢI ÍCH KHI ĂN CHÁNH NIỆM

Tiết kiệm túi tiền. Việc ăn ít mà chất lượng thay vì ăn thật nhiều giúp mình bỏ được thói quen ‘đói quan mắt’, lúc đói vào quán gọi la liệt.

Cảm nhận được món ăn ngon hơn. Từ ngày được trải nghiệm ăn trong bóng đêm, mình biết cách tận hưởng một món ăn với nhiều giác quan cùng lúc, từ đó cảm thấy được nhiều sự ngon của món ăn hơn.

Cải thiện hệ tiêu hóa. Nhớ hồi xưa hay bị đầy hơi, gần đây do ăn chậm nhai kỹ, ít nuốt không khí (đến do việc ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa nói chuyện), mình tự thấy giảm thiểu được phần này.

Dễ thỏa mãn hơn. Thay vì cứ phải ăn ngon hay ăn món này món kia mới thỏa mãn, bây giờ ăn vặt một trái ổi hoặc chỉ đơn giản là một miếng kẹo thôi cũng thấy vui rồi.

CÁCH ĐỂ BẮT ĐẦU ĂN CHÁNH NIỆM

1. Bắt đầu từ việc nhỏ. Có thể sau khi đọc bài viết này bạn sẽ rất được truyền cảm hứng và muốn bắt đầu ngay việc ăn chánh niệm. Tuy nhiên đừng kỳ vọng quá về sự thay đổi 100%. Bạn cứ bắt đầu mỗi ngày chánh niệm 1 bữa, từ từ tăng dần cho đến khi chánh niệm được mọi bữa ăn.

2. Lúc ăn thì đừng lướt điện thoại, xem YouTube, Facebook. Cách đơn giản nhất để thực hiện được việc này là hãy tắt 4G và Wifi của điện thoại lúc đang ăn.

3. Tập thói quen ăn ở một nơi cố định. Nếu ở nhà thì có bàn ăn, ở công ty thì có khi ăn uống chung. Làm sao tạo cảm giác cho não hiểu rằng, khi đến góc đó thì bắt đầu thèm ăn và tiết ra chất kích thích để ăn. Đừng vừa ngồi làm việc vừa ăn, vừa nằm xem phim vừa ăn.

4. Để ý kỹ hơn về món ăn. Một trong những điều mình học được khi đi ăn trong bóng đêm đó là, khi không nhìn thấy được món ăn nữa – mình quý trọng cái nhìn của mình hơn. Vậy nên bây giờ mỗi lần trước khi ăn, mình dành một chút xíu thời gian để ngắm những màu sắc của đồ ăn trước khi ăn, và ngửi xem có mùi hương gì nữa. Thử tưởng tượng mình giống đầu bếp MasterChef, đoán xem trong đó có những mùi gì.

5. Chú tâm và từng miếng ăn. Cũng học được từ trải nghiệm trong bóng đêm, khi ăn mà chú tâm hơn, mình sẽ không chỉ cảm được mùi vị thức ăn, mà còn về độ dai độ dẻo độ giòn, kết cấu món ăn như nào nữa. Cũng thú vị.

6. Nhai kỹ. Tùy mỗi nơi thì có lời khuyên khác nhau, nơi thì 20 lần, nơi cực đoan thì 100 lần. Cá nhân mình thấy, cứ nhai kỹ gấp đôi bây giờ bạn đang nhai, làm sao cho đồ ăn nhuyễn ra là được.

7. Trò chuyện về đồ ăn. Ngồi ăn mà cứ im im ăn thì cũng chán, trừ khi đang đi thiền tập. Ở ngoài xã hội, ăn là đi cùng trò chuyện. Tuy nhiên thay vì bây giờ trò chuyện về ý tưởng trong cuộc họp lúc sáng, giờ thử trò chuyện về món đang ăn xem sao ha.

Trên đây là một số cách để ăn chánh niệm và lợi ích của nó. Mong bạn tập được thói quen này để nâng cao chất lượng sống của bản thân nhé.

Đọc các bài viết khác của Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/article

1 bình luận cho “Ăn Trong Chánh Niệm – Một Cách Sống Tối Giản Trong Thói Quen Hằng Ngày”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.