Trong lớp học “Nhập môn tâm lý” mỗi ngày Chủ Nhật, thầy Thuận có một bài thơ mà mình rất thích và tâm đắc:

“Thương cho cây nến, soi khắp nhân gian
Nhưng chẳng soi nổi, bóng dưới chân mình.”

Khi dạy các em sinh viên và 6 nhóm tính cách theo học thuyết Holland, mình cũng thường chia sẻ một nghịch lý của Nhóm Xã Hội – Người Giúp Đỡ là họ có thể rất giỏi trong việc giúp người khác, nhưng khi chính bản thân mình gặp chuyện y chang thì lại không giúp được.

Bạn có bao giờ rơi vào tình cảnh như vậy không? Ví dụ như một đứa bạn thân tìm đến tâm sự chuyện tình cảm, bạn rất lý trí để giúp đỡ. Nhưng khi chính mình rơi vào tình cảnh y chang, bạn lại không làm như vậy được.

Người càng xa lạ, ta càng dễ để giúp. Đó là lý do vì sao trong hướng nghiệp, hỗ trợ một em sinh viên xa lạ dễ hơn nhiều so với hỗ trợ một người cháu trong gia đình, hay hỗ trợ chính minh. Khi bạn làm việc với người xa lạ, có một khoảng cách đủ lớn để bạn tách biệt suy nghĩ và cảm xúc, không để chúng ảnh hưởng đến quyết định của bạn.

Có một kỹ thuật trong tư vấn tâm lý thường được sử dụng đó là “chiếc ghế trống”. Tưởng tượng chiếc ghế đối diện bạn là bạn, còn bạn là một người khác đang nói chuyện với bạn ở ngôi thứ ba – đây là cách để bạn có thể giúp được chính mình.

Chắc bạn cũng có đôi khi nói chuyện với chính mình rồi phải không – nhưng chắc là tự nói chuyện trong đầu thôi phải không? Để giúp bạn có thể rõ ràng hơn khi nói chuyện với chính mình, hãy thử áp dụng “chiếc ghế trống” – hơi kỳ quặc một chút, nhưng cảm giác thật hơn sẽ giúp ích hơn. Chẳng phải khi ngồi nói chuyện với một người khác, bạn có thể giúp được họ hay sao? Nếu vẫn còn chưa quen, hãy thử cuộc đối thoại này trên giấy trước.

Một trong những cách để có thêm chất liệu tự trò chuyện với bản thân đó là sử dụng những ‘journal prompt’ – câu hỏi suy tư để trả lời. Bạn có thể thử bắt đầu với 30 Câu Hỏi Tự Vấn Bản Thân hay 20 Câu Hỏi Về Nghề Nghiệp hoặc Những Câu Hỏi Tổng Kết Năm.

HÃY BỚT SUY NGHĨ

Chúng ta suy nghĩ rất nhiều mỗi ngày. Từ khi mở mắt ra đến lúc đi ngủ, não không ngừng tính toán, lập kế hoạch. Chính nhờ suy nghĩ mà chúng ta mới có giải pháp cho vấn đề hay kế hoạch cho tương lai. Tuy vậy, có những chuyện mà suy nghĩ nhiều quá không giải quyết được. Việc đắm chìm trong suy nghĩ và các phương án làm cho chúng ta bị loại, rối não, từ đó chuyển qua trạng thái lo lắng và không dám quyết định. Đây là tình trạng rất thường gặp ở các ca hướng nghiệp, không biết chọn ngành nào, không biết chọn lĩnh vực nào.

Tất nhiên khi tập trung suy tư về một vấn đề, vấn đề đó sẽ trở nên to bự trong đầu chúng ta. To bự đến nỗi ta bỏ quên đi những khía cạnh khác trong cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn, chúng ta mất đi cái nhìn tổng quan về một vấn đề. Đó là lý do vì sao một người gặp vấn đề nghề nghiệp có khi lại dẫn đến cả những trục trặc trong cuộc sống hằng ngày, thói quen sinh hoạt, hoặc thậm chí cả các mối quan hệ tình cảm. Vì suy nghĩ nhiều quá, chúng ta không tách bạch được những việc này – dẫn đến việc ảnh hưởng chồng chéo lên nhau.

Trong trường hợp này, có một người khác giúp ta mở rộng góc nhìn hoặc nhìn từ một góc khác sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Chính vì lý do đó, người tư vấn tâm lý hay hướng nghiệp như mình, một năm vẫn giữ thói quen nên trò chuyện với một chuyên gia khác một vài lần, để có thêm những góc nhìn khác. Nếu bạn chưa có được người đó, hãy tập thói quen “chiếc ghế trống” ở trên để tự giúp bản thân mình trước.

Thêm một bí kíp nữa để tách mình ra khỏi vấn đề, đó là hãy thử mô tả vấn đề của mình bằng một ngôn ngữ khác mà bạn biết. Ví dụ với mình, khi mình trò chuyện với chính bản thân bằng tiếng Tây Ban Nha, tự nhiên mình cũng cảm thấy khác khác, như đang trò chuyện với một người khác vậy.

Các bài viết khác của mình: https://anhtuanle.com/articles/

Đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/tuvan/

2 bình luận cho “Nghịch Lý Người Hay Giúp Đỡ Người Khác, Nhưng Lại Chẳng Tự Giúp Được Mình”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: