Mình là một đứa ‘nghĩ ngắn’, không sâu, thường ra quyết định nhanh và tùy hứng. Có lẽ cuộc đời may mắn nên nhiều quyết định tùy hứng đó dẫn đến thành công (như việc lập blog này), mà nếu có không thành công thì cũng là một bài học để bắt đầu lại, không sao hết. Tuy nhiên, rất nhiều người xung quanh mình, bạn bè, khách hàng tư vấn hướng nghiệp lại không suy nghĩ giống mình. Các bạn ấy là những người suy nghĩ rất sâu, phân tích rất nhiều, cân đo đong đêm cẩn thận trước khi ra một quyết định. Vấn đề là suy nghĩ quá nhiều dẫn đến việc vừa không ra quyết định được, vừa đau đầu, đau bụng.
Trong bài viết thứ hai thuộc chuỗi tâm tư của người trẻ đang lớn này, mình muốn phân tích về nhóm những người hay suy nghĩ nhiều
Bạn Có Phải Người Suy Nghĩ Nhiều?
Mỗi người chúng ta có một kiểu tính cách khác nhau. Có người vô lo vô nghĩ, có người cẩn thận từng chút một. Khi sinh ra chúng ta đã có sẵn một kiểu tính cách, nhưng môi trường mình lớn lên cũng có khả năng hình thành nên tính cách của một con người. Vậy nên cùng một tình huống mà mỗi người lại có cách hành xử khác nhau. Ví dụ mình (một đứa vô lo vô nghĩ) và con bạn thân mình (một đứa hay nghĩ) có cách phản ứng rất khác nhau trong chuyện nghỉ việc. Mỗi khi nó tâm sự rằng sếp khó, đồng nghiệp láo toét, môi trường làm việc độc hại – mình toàn khuyên nghỉ quách đi, nghỉ xong tìm việc khác sợ gì. Bạn mình thì cứ nói vậy thôi, nhưng đắn đo mãi lỡ nghỉ thì làm gì, rồi không tìm được việc khác thì sao, bla bla… đến giờ vẫn chưa nghỉ. Mình không nói rằng người nào đúng hay người nào sai ở đây, chỉ đơn giản là mỗi người một kiểu tính cách thôi.
Để biết được bạn là nhóm vô lo hay là hay lo, bạn có thể thử bài trắc nghiệm tính cách Holland. Trong 6 nhóm Holland, có nhóm Nghiên Cứu là những người suy nghĩ nhiều và nhóm Nghệ Thuật là những người sống rất cảm xúc, rất có khả năng nếu bạn thuộc 1 trong 2 nhóm này thì bạn là tuýp hay lo.
Trong cuộc sống thì phải lo, nhưng tốt hơn là lo để liệu (có giải pháp và hành động), chứ không phải lo để sợ và không làm gì cả, chỉ quanh quẩn với nỗi lo của mình. Người suy nghĩ quá nhiều (Overthinking) là người thường ngẫm lại quá khứ và lo lắng về tương lai. Suy nghĩ quá nhiều không giống như giải quyết vấn đề lành mạnh (problem solving). Giải quyết vấn đề bao gồm suy nghĩ về một tình huống khó khăn khi cần thiết. Trong khi đó người suy nghĩ quá nhiều thường chỉ đào sâu vào vấn đề.
Suy nghĩ quá mức cũng khác với tự suy ngẫm (self-reflection). Tự suy ngẫm có thể tốt cho bạn vì nó giúp bạn học hỏi từ những trải nghiệm. Trong khi đó, suy nghĩ quá nhiều là việc bạn nghĩ về mọi thứ bạn không kiểm soát được, và sau đấy là cảm thấy tồi tệ về việc đấy. Nó không hề giúp bạn phát triển gì ở đây hết.
Một vài dấu hiệu có thể cho thấy bạn là người suy nghĩ quá nhiều:
- Bạn không ngừng lo lắng trong ngày.
- Bạn thường lo lắng về những điều mình không kiểm soát được. (Ví dụ số người chết vì Covid mỗi ngày).
- Bạn hay nhai đi nhai lại những sai lầm của bản thân trong quá khứ.
- Bạn hay nhai đi nhai lại những khoảnh khắc xấu hổ.
- Buổi tối khó ngủ vì đầu nghĩ hết cái này đến cái kia.
- Dành nhiều thời gian nghĩ xem người đấy nói với mình điều đấy thực sự có ý gì xấu xa không.
- Khi người nào đó chê mình, mình cảm thấy tồi tệ cả một ngày.
- Dành quá nhiều thời gian trong đầu để hối tiếc việc quá khứ và tưởng tượng tương lai, quên luôn hiện tại.
Vì Sao Tôi Suy Nghĩ Nhiều?
Như đã chia sẻ, có thể bạn sinh ra đã thuộc nhóm tính cách hay suy nghĩ. Một khả năng khác là bạn lớn lên trong một môi trường được ba mẹ và những người xung quanh dạy rằng phải suy nghĩ cẩn thận trước khi làm một việc gì đó, phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Trong quá khứ có những lúc bạn có ý tưởng điên rồ, muốn làm cái này cái kia nhưng bị ngăn cấm không cho làm, được khuyên bảo rằng phải làm cái này cái kia sẽ tốt hơn – dần dần tạo nên một con người bạn cẩn thận trong suy nghĩ, đến mức cực đoan thành cẩn thận quá.
Cách Nào Để Xử Lý Việc Suy Nghĩ Quá Nhiều?
Khi mình làm tư vấn hướng nghiệp, có nhiều khách hàng thuộc nhóm suy nghĩ nhiều. Các bạn rất giỏi, nhiều tài năng, nhưng cứ bị mắc kẹt trong suy nghĩ mà không ra được quyết định, không dám tự tin ứng tuyển và không dám thể hiện bản thân mình. Mình có hướng dẫn các bạn một số cách thức để xử lý việc này, đây cũng là những cách bản thân mình luyện não mỗi ngày, các bạn có thể thử áp dụng xem sao.
1/ Thực hành thói quen thiền chánh niệm mỗi ngày. Thiền là tập cho bản thân sống trọn vẹn ở thời điểm hiện tại, không hối tiếc về quá khứ cũng không tơ tưởng đến tương lai – ngược hoàn toàn với việc suy nghĩ nhiều. Bạn có thể thực hành thiền bằng ứng dụng Headspace (hướng dẫn bằng tiếng Anh), hoặc đọc một cuốn sách rất dễ hiểu về thiền là cuốn Search Inside Yourself (có tiếng Việt).
2/ Tạo sự bình tĩnh về mặt thể chất. Lý do mỗi ngày mình đều dành 30 phút để hít đất, kéo xà hoặc squat là vì mình thấy rằng những hoạt động này ngoài chuyện giúp mình khỏe và có cơ thể đẹp, còn giúp mình bình tĩnh hơn nhiều. Khi bạn suy nghĩ và lo lắng, nhịp tim đập nhanh, môi khô, tay chảy mồ hôi, bụng đau đau. Để giải quyết những việc này, việc tập thể dục mỗi ngày kết hợp các bài tập thở sâu sẽ tạo thói quen cơ thể tiết ra các hormone tốt giúp cơ thể mình bình tĩnh hơn. Mình hay đu xà ở nhà, có mấy bạn hay nhắn tin hỏi về cây xà đơn gắn tường không cần khoan đinh, mình để link ở đây để các bạn tham khảo.
3/ Lên lịch lo lắng. Mình hay lên lịch họp, lịch làm việc, vậy sao không thử lên lịch cho việc lo lắng? Đằng nào cũng lo lắng rồi chưa bỏ ngay được, vậy thì lên lịch cho việc này. Mỗi ngày bạn thử mở Calendar ra và block một khoảng thời gian 30 phút đặt tên là “Thời Gian Lo Lắng”. Trong ngày khi đang làm việc bạn bất chợt lo lắng điều gì đấy, mở sổ hoặc note điện thoại ra ghi vào, sau đó đến thời gian lo lắng thì ngâm cứu lại. Cá nhân mình khi thực hành vụ này thấy rất hay, trong thời gian lo lắng đấy mình ngồi xuống phân tích xem vì sao mình lại lo, nỗi lo đấy có thật hay không, nếu có thật thì vấn đề gì xảy ra, vân vân và mây mây.
4/ Tìm hiểu về tâm lý học. Nỗi lo không tự nhiên nó đến, thường nó xuất phát từ một chuyện không vui nào đó trong quá khứ, một sang chấn mà bản thân đã trải qua. Nếu bạn là người thích đọc giống mình, thử tìm đọc một số đầu sách về tâm lý có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế cảm xúc của mình, gốc rễ nào mình lại có những lo lắng như vậy. Giống như trị bệnh, diệt tận gốc vẫn là tốt nhất. Một số đầu sách mình gợi ý là cuốn Chatter – Trò chuyện với chính mình, cuốn Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành, và cuốn Tâm Lý Học Tích Cực.
5/ Kỹ thuật thay đổi góc nhìn. Trong số những bài tập mình đưa cho các bạn tham gia tư vấn hướng nghiệp làm có bài “thay đổi góc nhìn”. Bước 1, bạn liệt kê ra những niềm tin tiêu cực bản thân thường có về mình như tôi là người suy nghĩ nhiều, tôi hay suy nghĩ tiêu cực, tôi không giỏi bằng người khác. Bước 2, bạn viết ngược lại những suy nghĩ đó thành tôi là người suy nghĩ rõ ràng, tôi suy nghĩ tích cực, tôi có thế mạnh riêng của mình. Mỗi sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ, bạn mở sổ ra thực hành viết và suy ngẫm về những niềm tin tích cực này, lặp đi lặp lại mỗi ngày.
6/ Tập trung vào những điều mình kiểm soát được. Trong một sự việc xảy ra với bản thân, có những điều bạn có thể kiểm soát được và có những điều bạn không kiểm soát được. Ví dụ khi bạn đi tìm việc, bạn không thể kiểm soát được việc nhà tuyển dụng có duyệt hồ sơ của bạn hay không, hay đi phỏng vấn nhà tuyển dụng có ấn tượng với bạn hay không. Đó là việc của người ta. Việc bạn có thể kiểm soát được là gì? Là tạo một bản CV ấn tượng nhất trong khả năng, là chuẩn bị tìm hiểu thật kỹ càng và tập trả lời các câu phỏng vấn thật trơn tru, là chủ động liên hệ nhiều công việc khác nhau. Hãy cứ dừng suy nghĩ ở những điều trong tầm kiểm soát của mình.
7/ Viết và tìm giải pháp. Đầu tiên là viết, khi bạn suy nghĩ nhiều, bạn cần rót suy nghĩ ra một công cụ bên ngoài để làm chậm đi dòng suy nghĩ của mình. Công cụ mình sử dụng là viết. Suy nghĩ trong đầu chạy rất nhanh, nhưng khi viết ra thì tốc độ viết của mình chậm, khiến cho suy nghĩ cũng phải chậm lại một chút. Đầu tiên, bạn hãy dành thời gian viết hết những suy nghĩ tiêu cực mình đang có ra giấy. Sau đấy bạn thực hành một kỹ thuật đối thoại trên giấy với “người bạn ảo”. Bạn có thấy một điều rất thú vị rằng, đôi khi cùng một vấn đề đó, nếu bạn mình tìm đến mình để xin lời khuyên, bạn cho nhiều lời khuyên rất hay. Nhưng bản thân mình lại không xử lý được. Vậy khi viết, bạn hãy tự tách mình ra khỏi bản thân, thử đóng vai một người bạn hoặc một người ngoài, nhìn vào vấn đề của bạn – bạn sẽ khuyên người bạn đang có những suy nghĩ trên giấy này điều gì đây?
__
Suy nghĩ là tốt, nhưng suy nghĩ quá nhiều sẽ không tốt. Mong bạn sẽ có giải pháp cho riêng mình.
Series bài viết “Những tâm tư người trẻ đang lớn”
2 bình luận cho “Suy Nghĩ Quá Nhiều”
[…] riêng trong cuộc sống. Từ áp lực so sánh với người xung quanh, cho tới việc suy nghĩ quá nhiều, hôm nay mình muốn chia sẻ về vấn đề giàu có. Từ khi kiếm được đồng […]
ThíchThích
[…] người trẻ đang lớn, sau 3 bài viết về các chủ đề áp lực đồng đẳng, suy nghĩ quá nhiều và làm sao để giàu. Bạn ấy vào đọc bài này, chắc có lẽ vì đã có lúc nào […]
ThíchThích