Thu nhập một tháng của mình trên 20 triệu, ở mạng xã hội cũng được vài chục nghìn người biết đến, gia đình bạn bè tình yêu đều hoà thuận yên ổn, nói vui vui là vừa có tiếng vừa có miếng. So với nhiều người, những gì đang có là rất khá rồi. Thế nhưng bữa nào mà lỡ lướt Facebook, Kênh14 hay Tiktok nhiều một xíu, lòng mình lại nhen nhóm sự so sánh. Đáng ra mình có thể giàu và nổi tiếng hơn, giống mấy người đó đó.

Với công việc tư vấn hướng nghiệp, mình có cơ hội tiếp xúc cùng nhiều em học sinh – sinh viên ở nhiều cấp từ THPT, trung cấp lên đến cao đẳng và đại học. Thường xuyên nhất là các em giỏi từ những trường top đầu như Kinh Tế Quốc Dân, Ngoại Thương, RMIT, BUV, vân vân. Có một điều thú vị mình nhận ra đó là, không phải tất cả đều như vậy, nhưng có rất nhiều em giỏi, thành tích cao, tham gia nhiều hoạt động, điểm GPA và tiếng Anh đều tốt thì lại càng có nhiều nỗi sợ – trong đó có một nỗi sợ mang tên áp lực đồng đẳng (hay áp lực đồng trang lứa).

Peer-pressure là gì, vì sao lại có?

Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, áp lực đồng đẳng hay tiếng Anh (peer pressure) là việc bản thân mình so sánh với những người cùng trang lứa và cảm thấy áp lực về chuyện đó. Áp lực từ sự so sánh này dẫn đến việc bản thân cảm thấy tự ti, lo lắng, không dám hành động, tiêu cực và nhiều điều khác bạn có thể liệt kê thêm.

Áp lực đồng đẳng có lẽ xuất hiện từ khi chúng ta còn nhỏ xíu xìu xiu, khi ba mẹ ngầm so sánh chúng ta với con nhà hàng xóm, với đứa cháu nào đó trong họ hoặc ở những bảng xếp hạng điểm số của lớp khi đi học. Hồi nhỏ mình còn vô tư, chưa bị áp lực nhiều. Càng lớn càng hiểu chuyện, mình càng áp lực nhiều hơn. Từ cấp 3 thì áp lực chuyện chọn ngành chọn trường, sao bạn này học trường ‘top’ còn mình lại học trường cùi. Lên đại học thì áp lực chuyện hoạt động – thành tích, sao cùng lứa với mình mà bạn được giải cuộc thi này, trúng tuyển MT nọ mà mình chỉ toàn ăn với ngủ. Học xong ra đời thì áp lực so sánh chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện địa vị chức vụ, vân vân.

Ngoài ra, theo tháp nhu cầu Maslow, con người luôn có nhiều mong cầu hơn ở tầng trên khi đã đạt được tầng dưới. Khi còn thiếu ăn thiếu mặc, chỉ mong có một bữa cơm no và một mái nhà che nắng mưa. Có rồi thì mong có nhiều bạn bè. Nhiều bạn bè rồi thì mong được người đời kính trọng, nể phục. Vậy nên lúc nào nhìn lên cũng thấy mình chưa ổn, trong khi có nhiều người ổn hơn mình.

Trong thời buổi hiện nay, Gen Z càng dễ gặp áp lực đồng đẳng bởi sự tiếp xúc mỗi ngày với mạng xã hội. Lên Facebook thì thấy nghiệp bếp toàn người nấu ăn ngon, nghiện nhà toàn các anh chồng chị vợ đảm. Lên Instagram thì thấy các bạn bụng chữ V, 6 múi, body mlem mlem. Lên Tiktok thì thấy toàn mấy triệu người theo dõi, học bổng này, giải thưởng nọ. Lướt một hồi xong nhìn lại mình, bình thường, cũng học đại học, tốt nghiệp, đi làm văn phòng, tối về nhà xem Netflix n Chill, chả có gì đặc sắc, thế là áp lực.

Ai cũng có áp lực cả!

Từ hành trình mình mô tả ở trên, mình muốn tóm gọn lại trong một điều đó là: áp lực đồng đẳng hay sự so sánh với người khác sẽ luôn ở đó, từ khi chúng ta lọt lòng đến khi chúng ta chui lại vào hòm. Trong tâm lý học Adler (một trường phái tâm lý lớn) có nói một ý, con người từ khi sinh ra đã có ‘phức cảm tự ti’, bắt nguồn từ việc mình đẻ ra bé xíu chẳng làm được gì mà những người xung quanh lại to đùng làm được rất nhiều việc. Như vậy để nói, sự so sánh nằm ở trong gen của mỗi người. Vậy thì vì nghĩ cách làm sao để không còn so sánh, hay cứ xem chuyện so sánh là xấu, chúng ta hãy làm bạn với sự so sánh này.

Có một câu quote mình thấy khá thú vị không biết ở sách nào đó là “No Pressure, No Diamond” – không áp lực thì không có kim cương. Một phần nào đó mình thấy cũng đúng, những áp lực từ xã hội và những người xung quanh, ở một mức độ nào đó vừa phải sẽ giúp mỗi người chúng mình tiến bộ và phát triển hơn. Khi nào bạn còn biến áp lực đó thành hành động và không để áp lực đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất, đó có thể coi là một áp lực tốt.

Tuy nhiên, thường thì mình thấy áp lực xấu nhiều hơn. Sự so sánh khiến bạn lo lắng, tự ti, không dám hành động bắt đầu một dự án mình thích. Ví dụ, mình tin có rất nhiều bạn thích làm blog chia sẻ cái này cái kia, nhưng cứ sợ mình viết không hay, không ai đọc, ngoài kia nhiều người đã viết cái mình định viết rồi. Ngoài ra, sự so sánh còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn mất ngủ, bạn suy nghĩ nhiều đau đầu, đau dạ dày, suy nhược, vân vân. Nếu những điều trên đang diễn ra, đấy là áp lực xấu. Khi áp lực đã xấu thì cần có giải pháp.

Giải pháp để bớt áp lực

1/ Chữa lành đứa trẻ bên trong. Theo tâm lý học Freud, mọi vấn đề tiêu cực ở thời điểm hiện tại đều có dính dáng đến những điều trong quá khứ, cụ thể là cách mình lớn lên. Chữa lành đứa trẻ bên trong là một thuật ngữ trong tâm lý, tức là đào lại về quá khứ của mình xem mình đã lớn lên như thế nào, ba mẹ đã nuôi dạy mình ra sao, điều gì đã tạo ra một ‘tôi’ ở hiện tại luôn so sánh với người khác như vậy. Ví dụ (ví dụ thôi nhé), có thể từ nhỏ mình đã được ‘luyện gà’, học trường chuyên lớp chọn, xung quanh toàn người giỏi, nên dù mình có giỏi mấy cũng cảm thấy không đủ. Hoặc từ nhỏ mình không được người lớn công nhận, dù có làm gì tốt đến đâu cũng đều được nói là chưa đủ và phải tốt hơn nữa. Mình từng học một số khóa học về chữa lành quá khứ tại Tâm Lý Việt An, mình thấy đây là một đơn vị uy tín, bạn có thể tham khảo. Ngoài ra bạn có thể tham khảo cuốn sách Chữa lành đứa trẻ bên trong cũng rất hay.

2/ Hướng sự so sánh vào bên trong. Như mình đã nói ở trên, sự so sánh nằm ở trong gen, không bỏ được đâu. Không bỏ được thì mình tận dụng sức mạnh của nó. Bây giờ thay vì so sánh mình với ông A bà B nào đó, mình so sánh với chính bản thân mình. Tuần này mình đã tập thể dục nhiều hơn tuần trước chưa? Tháng này mình đã chi tiêu tiết kiệm hơn tháng trước chưa? Hôm nay mình có đọc sách nhiều hơn hôm qua không? Hãy cứ so sánh nhiều vào, so sánh với mình của ngày hôm qua ấy. Hoặc thay vì dành thời gian so sánh, bạn tìm cho mình một vài khóa học kỹ năng thú vị để cải thiện như Facebook Marketing để bán hàng hoặc đầu tư chứng khoán chẳng hạn.

3/ Hãy tọc mạch. Nếu bạn là một người thích hóng chuyện, thích tìm hiểu đời tư của người khác và lại giỏi tìm kiếm thông tin, hãy tận dụng điều này đi. Người ta thường nói không có ai thành công sau một đêm cả. Hôm nay bạn đọc bài báo hoặc thấy một bài chia sẻ về một nhân vật X nào đó trở thành triệu phú, hay đạt giải thường này, có học bổng nó. Hãy tìm hiểu xem bạn X đó đã làm những gì trong vài năm qua để đạt được điều đó. Chắc chắn không phải là ngồi không ngủ một giấc rồi, chắc người ta cũng phải hi sinh những mối quan hệ, bớt thời gian cho những việc khác để tập trung vào công việc học tập. Bạn đã làm giống họ chưa? Một cách khác, hãy tìm hiểu về những khía cạnh khác của họ. Có người thành công trong công việc, nhưng đời tư lại buồn chán. Có người tình yêu rất đẹp, nhưng công việc ở mức tàng tàng. Có khi họ hơn bạn ở điểm này, nhưng lại không bằng bạn ở điểm khác đâu.

4/ Tập biết ơn. Sự so sánh và sự tự ti đến từ việc bản thân mình cảm thấy thiếu và chưa đủ. Nếu bạn cảm thấy đủ đầy, tự khắc bạn sẽ bớt so sánh lại. Để tăng cảm giác đủ đầy, một trong những cách để làm đó là tập thói quen biết ơn mỗi ngày. Mỗi sáng ngủ dậy hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn mở sổ và lấy bút, hoặc mở Note trong điện thoại ra, viết về 3-5 hoặc 10 điều bạn thấy biết ơn và làm bạn vui trong ngày hôm nay. Dù ngày hôm nay tâm trạng có tồi tệ như thế nào, mọi thứ có khó khăn ra sao, hãy thử suy nghĩ về điều đó. Bạn vẫn được ăn đủ 3 bữa chứ? Bạn có một mái nhà che nắng mưa không? Người bạn thương vẫn thương bạn chứ? Bạn có đang có cơ hội đọc bài này mà phải không? Có cuốn Nhật ký biết ơn khá thú vị, bạn tìm đọc thử xem.

5/ Sử dụng mạng xã hội chánh niệm. Ở trên mình đã nói, ‘nhờ’ có mạng xã hội mà đâm ra chúng ta so sánh nhiều hơn. Nếu nói bạn đừng sử dụng mạng xã hội nữa thì cực đoan quá, dù sao mạng xã hội cũng là một công cụ rất có ích để chúng ta kết nối, học tập và cập nhật thông tin. Vậy hãy sử dụng mạng xã hội một cách chánh niệm hơn. Chia sẻ với mọi người một số cách làm của mình. Một, mình bỏ theo dõi tất cả các hội nhóm và page đang có trên Facebook, sau đó chọn theo dõi lại một số trang tích cực. Hai, mình tắt tất cả các thông báo (notification) của các trang mạng xã hội để không bị phân tâm khi cần làm việc tập trung, chỉ vào khi có việc cần vào. Bạn có thể dùng News Feed Eradicator là một add-on trên Chrome giúp bạn tạm ẩn newfeed Facebook.

6/ Làm tốt phần của mình. Phât, Chúa, Lão tử, Khổng tử, không bao giờ gây áp lực ai làm gì cả. Các vị cứ giảng, và kêt thúc, “Ai có tai thì nghe.” Thế thôi. Muốn vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần : Làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc người khác và đừng nghĩ việc của ông trời !” Tóm lại là hãy cố gắng hết sức, khó khăn làm chúng ta mạnh mẽ hơn, còn lại kết quả ra sao là việc của ông trời, mà việc của ông trời thì đừng lo lắng.

7/ Tin vào điều mình làm. Suy nghĩ khác đám đông thì sẽ bị áp lực từ đám đông. Tuy nhiên, chưa chắc lúc nào đám đông cũng đúng. Mỗi người có một mục tiêu, mục đích sống. Bạn không cần làm hài lòng tất cả mọi người.

5 bình luận cho “Áp Lực Đồng Đẳng”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.