Chào mừng các bạn quay trở lại với blog của Tuấn Anh, đây là bài viết thứ 4 trong chuỗi tâm tư của người trẻ đang lớn, sau 3 bài viết về các chủ đề áp lực đồng đẳng, suy nghĩ quá nhiều và làm sao để giàu. Bạn ấy vào đọc bài này, chắc có lẽ vì đã có lúc nào đó bạn mất động lực – hoặc có thể là ngay lúc này đây. Vậy Tuấn Anh sẽ chia sẻ một chút với các bạn những gì Tuấn Anh biết và đang ứng dụng về chuyện động lực này trong hành trình làm tư vấn hướng nghiệp và phát triển bản thân.
Một định nghĩa về Động lực
Chúng ta nói rất nhiều về động lực mỗi ngày, nhưng lại chưa định nghĩa rõ ràng được “động lực”. Làm sao để cải thiện một thứ gì đó nếu ta chưa hiểu nó là gì, được cấu thành từ những thứ gì. “Động lực” là thứ giúp chúng ta duy trì một hành vi hướng tới mục tiêu. Ví dụ, động lực giúp mình nhấc mông đi tập thể dục (hành vi) cho người đẹp (mục tiêu) hay động lực làm cho mình đi uống nước (hành vi) để có sức khỏe (mục tiêu). Chúng ta thường dùng “động lực” để nói về lý do vì sao một người làm một điều gì đấy, thúc đẩy hành động của chúng ta. Ví dụ, “động lực” của nhiều người kiếm tiền (hành động) là do muốn gia đình sống sung sướng hơn (lý do).
Hai kiểu động lực
- Động lực bên ngoài là những động lực xuất phát từ bên ngoài chúng ta, thường liên quan đến phần thưởng như danh hiệu, tiền bạc, sự công nhận của xã hội hoặc lời khen ngợi.
- Động lực bên trong là những động lực xuất phát từ bên trong, ví dụ như dành thời gian đọc sách để thỏa mãn cái ham muốn được cập nhật kiến thức.
Thực tế hiện nay chúng ta thường dùng các yếu tố bên ngoài làm động lực. Lấy ví dụ như việc sản xuất nội dung trên mạng xã hội đi, nhiều bạn lấy số Likes/Shares hay lượng Views để làm động lực, nhiều người thích thì vui, ít người thích thì buồn. Video nhiều người xem thì làm, cho dù nó lố lăng đến đâu. Chính vì chạy theo những động lực bên ngoài nên khi mất đi những điều này, người làm nội dung trở nên hụt hẫng, buồn, và càng cố làm những điều lố bịch hơn để tăng lượng người xem.
Bản thân Tuấn Anh viết blog này, làm YouTube, Podcast, quay Tiktok – tất thảy đều không xuất phát từ động lực bên ngoài. Mình không để ý nhiều đến lượng người views, likes nên không thực sự bị ảnh hưởng nhiều đến những con số này. Nhiều người xem thì mình vẫn viết, ít người xem thì mình vẫn viết. Động lực để mình sản xuất nội dung là cảm giác thỏa mãn bên trong, thỏa mãn sở thích viết, thỏa mãn việc được chia sẻ.
Ba thành tố của động lực
Phân tích kỹ hơn có ba thành tố của động lực bạn cần để ý đến đó là:
1/ Sự kích hoạt. Nhiều bạn tin rằng cứ ngồi im thì động lực sẽ đến, lúc nào động lực đến thì bắt tay vào làm. Đáng tiếc là chuyện đó sẽ không xảy ra. Để có động lực, bạn cần phải “do something” – làm điều gì đó để kích hoạt – đó là yếu tố đầu tiên. Ví dụ, bạn muốn cải thiện tiếng Anh, yếu tố kích hoạt có thể là bỏ tiền mua ứng dụng Elsa. Bạn muốn quản lý tài chính tốt, yếu tố kích hoạt có thể là đăng ký một lớp học tài chính cá nhân.
2/ Sự kiên trì. Sau khi bạn làm một chuyện kích hoạt ở trên, ví dụ như đăng ký mua một khóa tập yoga online tại nhà, có thể 1-2 hôm đầu bạn sẽ rất hứng khởi tập hăng say – xong được vài hôm là bỏ. Mình tin rằng tình trạng này không hiếm gặp khi thực hiện một thói quen mới. Chính vì vậy có một thành tố nữa bạn cần có chính là tính kiên trì trong việc duy trì một thói quen đã đặt ra. Mình đã học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo 10′ mỗi ngày 7 năm qua, vẫn thực hành thiền 20-30 phút mỗi ngày – chính những thứ nhỏ mỗi ngày này là động lực để mình duy trì.
3/ Sự cam kết. Nói về độ tập trung và mức năng lượng bạn bỏ ra để theo đuổi mục tiêu. Ví dụ cùng học tâm lý, có người chỉ đọc qua vài cuốn sách, người thì đăng ký khóa học, kết nối với nhiều người, tham gia nhiều chương trình. Bạn cam kết càng cao, động lực càng đến nhiều.
Bốn nguyên tắc để tăng động lực:
Động lực lại không phải ngọn lửa Olympic, cháy mãi không tàn. Là con người ai cũng có lúc hừng hực khí thế, lúc chán đời chẳng muốn làm gì. Những khi chán đời như thế, tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi. Tuy nhiên cũng có những cách để bạn kéo động lực lên cao hơn, đấy là:
1/ Chia lại mục tiêu thành các khúc nhỏ và bắt đầu từ nhỏ đến to. Mình từng hoàn thành một cuộc thi Marathon 42km trong 7 tiếng, không phải tốt về mặt thời gian nhưng cũng đáng tự hào vì đã hoàn thành. Từ cuộc thi Marathon đó mình nhận ra là, nếu cứ nhìn vào cột mốc 42km để hoàn thành, chắc mình đã bỏ cuộc từ lâu. Thực tế sau 4km đầu mình đã rất mệt, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ về km thứ 5, rồi thứ 6, rồi thứ 7 – lết từng km như vậy đó. Trong công việc cũng vậy, mơ thì cứ mơ to, nhưng đã bắt tay vô làm thì hãy chia nhỏ nó ra.
2/ Hãy chỉ theo đuổi những mục tiêu thực sự quan trọng với mình. Tiền quan trọng không, có! Tình yêu quan trọng không, có! Sự nghiệp quan trọng không, có! Sức khỏe quan trọng không, có! Cái gì trên đời này cũng quan trọng cả – tùy người bạn gặp mà người đó sẽ nói với bạn cái gì quan trọng. Gặp một ông lái buôn, ổng sẽ nói bạn hãy kiếm nhiều tiền. Gặp một cô dạy Yoga, cô sẽ nói bạn hãy quan tâm đến sức khỏe. Nếu cứ chạy theo lời khuyên của tất cả mọi người, chẳng mấy mà bạn sẽ tẩu hỏa nhập ma. Thời gian bạn có 24 giờ mỗi ngày, may ra thì được 80 năm cuộc đời, khó có được tất cả mọi thứ hoàn hảo lắm. Bạn có thể hoàn hảo ở 1-2 khía cạnh, những khía cạnh còn lại tốt (không quá tệ) là đã vui lắm rồi.
3/ Nhắc nhở bản thân về những thành công và tập trung vào thế mạnh. Nếu bạn từng chơi thể thao, bạn sẽ nhận ra một tình trạng thế này: mình gặp một đối thủ mà mình thắng suốt, thì lần tới gặp lại sẽ rất tự tin. Ngược lại nếu toàn thua thì sẽ tự ti. Giống Việt Nam gặp Thái Lan đá bóng vẫn cứ sợ ấy. Vậy nên để hạn chế việc này, phải thường xuyên có thói quen ghi chép và nhìn lại những thành công của mình, tìm hiểu thế mạnh của bản thân và phát triển nó.
4/ Không có giải pháp nào phù hợp với tất cả. Bên dưới này mình sẽ chia sẻ những bí kíp giúp mình tăng động lực, và chắc chắn bạn tìm Google cũng ra đầy bí kíp khác. Vấn đề là không phải bí kíp nào hiệu quả với mình cũng sẽ hiệu quả với bạn, vậy nên cứ đọc, thử nghiệm và tìm ra giải pháp tốt nhất.
Năm bí kíp làm được ngay để tăng động lực:
1/ Tự thưởng cho bản thân
Nếu việc nào bạn thấy khó, cần có động lực để làm, mỗi khi nghĩ đến nói là lười – thì hãy suy nghĩ một vài phẩn thưởng khi làm nó. Ví dụ khi mình viết 4 cuốn sách, mình áp dụng một vài bí kíp:
- Viết 25 phút, nghỉ 10 phút. Được ăn vặt cái gì đấy.
- Viết tối thiểu 1 trang mỗi ngày, khi xong một trang thì mình được phép làm bất cứ gì mình thích (thường là xem Netflix hoặc chơi game Football Manager).
- Viết 25 phút, lướt Facebook 5 phút.
Đấy là ví dụ những phần thưởng của mình, có thể bạn sẽ có những phần thưởng khác. À quên, phần thưởng nhớ đừng ‘unhealthy’ – độc hại quá, kẻo lại hại vào thân. Ví dụ tập gym 1 tiếng xong anh 1 bữa KFC thì cũng như không.
2/ Thực hành Self-Care
Như đã nói ở định nghĩa, động lực không chỉ là vấn đề tâm lý, nó còn là sinh lý và các mối quan hệ. Nếu sức khỏe bạn kém, mối quan hệ bạn tồi thì bạn chắc chắn cũng không có động lực cao được. Vậy nên bạn cần thực hành self-care, chăm sóc bản thân nhiều hơn về tinh thần và thể chất. Cách của mình là:
- Tập thể dục 45 phút ít nhất 3 ngày/tuần.
- Ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
- Uống một ca nước, ăn nhiều chất xơ (dùng MyFitnessPal để đo).
- Dành thời gian cho việc giải trí (không phải lúc nào cũng làm làm làm)
- Ngồi thiền 30 phút mỗi ngày.
- Stress quá thì kiếm chỗ có nhiều cây đi bộ.
- Không rượu và cafe.
3/ Làm việc mình ghét với việc mình thích
Đây là một bí kíp để kéo năng lượng, hãy ghép một việc bạn ít có động lực làm nhưng vẫn phải làm với một việc bạn thích làm. Cái bạn thích sẽ kéo cái kia lên. Ví dụ của mình:
- Nghe nhạc khi chạy bộ.
- Thắp nến thơm khi làm việc.
- Xem review phim khi tập gym.
Lưu ý là đừng để cái “vui” ảnh hưởng quá đến cái chính. Ví dụ vừa làm việc vừa xem phim thì cũng ảnh hưởng ít nhiều đấy.
4/ Quy tắc 5 phút
Quy tắc là khi mình ngán một việc gì đấy, mình sẽ bảo bản thân là bây giờ mình sẽ bắt tay vào làm việc đấy 5 phút – đúng 5 phút sau mình sẽ dừng. Ví dụ mình ngán việc hít đất, mình bấm giờ điện thoại 5 phút để tập cỡ 1-2 set. Sau 5 phút, có hôm mình ngán thật và mình dừng đi ngủ. Tuy nhiên, đa số mình sẽ có lại động lực để tập nốt các set còn lại cho xong.
Thường động lực để bắt đầu là việc khó nhất. Quy tắc 5 phút giúp bạn vượt qua vụ khó này.
5/ Tìm kiếm đến chuyên gia
Mình là mẫu người tự học tốt, tuy nhiên mình hiểu rằng có những bạn sẽ cần đến người khác cầm tay chỉ việc, hướng dẫn và theo dõi. Nếu bạn là người như vậy, hãy email tới tới hi@anhtuanle.com để đăng ký chương trình Coach tạo động lực cùng Tuấn Anh nhé.