Sau Tết âm lịch, nhiều công ty bắt đầu các dự án mới, cộng với việc nhân sự cũ nghỉ việc nên nhu cầu tìm nhân sự mới cũng tăng cao. Nếu bạn nào có ý định tìm công việc mới cho năm tới, có một số việc bạn nên chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể tìm được công việc như ý muốn sau khi ăn bánh chưng xong.
1/ Xác định lại thật rõ mục tiêu khi đi làm công việc mới
Khi tư vấn hướng nghiệp, mình nhận thấy có nhiều bạn muốn nghỉ việc vì những lý do chưa rõ ràng như “chán”, “thiếu động lực”, “không thấy phát triển”. Chính sự mập mờ này có thể dẫn đến việc bạn chọn đại một công việc tiếp theo rồi sau đó một thời gian lại muốn nghỉ vì những lý do tương tự như trên. Để tránh việc đi làm công ty mới nhưng lại gặp phải vấn đề cũ, bạn nên ngồi xuống và viết nhanh ra giấy các tiêu chí mình mong và không mong ở một công việc là gì?
- Con người: bạn thích/không thích sếp và đồng nghiệp có tính cách như thế nào?
- Mức lương: bạn kỳ vọng con số bao nhiêu tối thiểu và bao nhiêu là hài lòng?
- Kỹ năng & kiến thức: bạn mong muốn được học/làm điều gì tại công việc mới?
- Môi trường làm việc: bạn thích môi trường cứng (kiểu văn phòng) thế nào? Môi trường mềm ra sao (các chương trình đào tạo, văn hoá công ty)?
- Vị trí địa lý: bạn muốn làm công ty cách nhà bao xa?
- Giá trị công việc: bạn theo đuổi điều gì ở thời điểm này? Tiền bạc, sự công nhận, đóng góp xã hội hay điều gì khác?
Hãy viết những điều trên ra giấy, càng nhiều thông tin về thích/không thích ở từng mục càng tốt. Càng có nhiều thông tin, bạn sẽ càng rõ ràng hơn về mong muốn cho hướng đi sắp tới.
Sau khi liệt kê được mỗi đề mục trên một vài câu trả lời, bạn cần sắp xếp các đề mục theo thứ tự từ “quan trọng nhất” đến “ít quan trọng nhất” ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, có người quan trọng nhất hiện tại là mức lương nhưng với người khác con người làm việc cùng mới là yếu tố quan trọng nhất lúc này.
2/ Tuốt tát lại CV, sau đó upload bản mới nhất lên LinkedIn và các trang tìm việc
Với ý định tìm việc, CV (resume) chắc chắn là thứ bạn nên dành thời gian để tuốt tát lại. Trong blog của mình, Tuấn Anh đã chia sẻ rất nhiều hướng dẫn cơ bản về cách viết CV. Nếu bạn cũng đã có trong tay một bản CV, mình gợi ý bạn hãy xem lại một số phần dưới đây xem đã tốt chưa, nếu chưa có thể sửa lại cho tốt hơn.
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn đã rõ ràng ngành nào/công việc gì hay lĩnh vực nào chưa? Bạn đừng viết mục tiêu chung chung kiểu “mong muốn tìm môi trường chuyên nghiệp” hay “đóng góp cho công ty”.
- Kỹ năng của bạn đã giúp người đọc mường tượng đến công việc bạn đang ứng tuyển chưa? Ví dụ, một người kế toán phần kỹ năng có thể là “đọc báo cáo số liệu”, “sử dụng phần mềm kế toán”, trong khi người làm Marketing cần biết “chạy quảng cáo Facebook” hay “nghiên cứu thị trường”. Hãy bổ sung thêm một số kỹ năng như vậy thay vì chỉ viết chung chung như “kỹ năng giao tiếp”, “kỹ năng làm việc nhóm”.
- Kinh nghiệm làm việc bạn đã có số liệu kết quả chưa? Đừng chỉ viết chung chung các gạch đầu dòng, hãy cố gắng có kết quả thể hiện bằng số liệu trong đó. Ví dụ, thay vì viết “thuyết phục và bán hàng cho khách hàng”, hãy viết “bán hàng cho 10 khách hàng, đạt doanh thu 100 triệu/tháng”. Càng nhiều số liệu CV của bạn càng ấn tượng.
Tuy nhiên, bạn không nên chỉ dừng lại ở CV. Một số bước tiếp theo mình đề xuất các bạn nên làm để nâng cao cơ hội trúng tuyển đó là:
- Sau khi đã hoàn thành CV, hãy upload bản CV mới nhất lên các trang tuyển dụng như TopCV, Vietnamwork. Chúng ta đi tìm việc, nhà tuyển dụng cũng đi tìm người. Việc bạn upload bản mới nhất và bật chế độ tìm việc trên các trang này sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm ra bạn.
- Nếu chưa có tài khoản LinkedIn (hoặc đã có nhưng chưa có nhiều thông tin), bạn hãy tạo một tài khoản LinkedIn và tối thiểu copy toàn bộ nội dung đang có trong CV vào LinkedIn. Sau đó bạn có thể viết một status giới thiệu về bản thân và nhu cầu tìm việc của bản thân lên đó, nhà tuyển dụng nào quan tâm sẽ chủ động liên hệ bạn.
- Nếu bạn đang làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo (viết lách, Marketing, sự kiện, thiết kế…) ngoài CV bạn nên có cho mình một Portfolio (website cá nhân), ở đó để ra hình ảnh các sản phẩm bạn đã làm.
3/ Kết nối lại với các mối quan hệ, cho người ta biết là mình muốn tìm việc
Theo nghiên cứu của hướng nghiệp, kênh tìm việc hiệu quả nhất không phải là qua các trang tuyển dụng hay mạng xã hội, mà là qua các mạng lưới quan hệ quen biết của bạn. Tuy nhiên khi đi hướng dẫn tìm việc cho các bạn tại Việt Nam, mình thấy nhiều bạn chưa biết tận dụng điều này – hoặc biết nhưng ngại chưa tận dụng. Tuỳ thuộc vào độ “mặt dày” của bạn đến đâu, đây là gợi ý một số việc bạn có thể làm:
- Email, inbox Facebook với những người đã đi làm nằm trong mối quan hệ của mình – chia sẻ với họ rõ ràng về mục tiêu tìm việc của mình (kiểu công việc, công ty…) và nhờ họ giới thiệu công việc nếu có. Bạn không cần nhất thiết chỉ hỏi người đang làm cùng ngành mình. Ví dụ bạn làm Kế toán, hoàn toàn có thể hỏi một đứa bạn Marketing có biết ai/công ty nào đang tuyển Kế toán không – biết đâu bạn của họ có thì sao?
- Viết một bài post và đăng lên các trang mạng xã hội như Facebook, LinkedIn, nói rõ về những điểm mạnh bạn có thể làm và mong muốn công việc bạn đang tìm. Nói vui là hãy gửi thông điệp đến vũ trụ, vũ trụ sẽ đáp lời.
- Tham gia các hội nhóm/cộng đồng mà có nhiều người đi làm trong đó. Ví dụ mình học RMIT có cộng đồng Cựu sinh viên RMIT (các trường khác chắc cũng có), các hội nhóm thảo luận – trao đổi về ngành nghề bạn đang làm – đây cũng là một nguồn phù hợp để bạn tìm việc.
Sau Tết cơ hội việc làm có rất nhiều, tuy nhiên đi cùng là sự cạnh tranh rất nhiều từ các bạn cũng đang đi tìm việc khác. Vì vậy, để quá trình tìm việc sau tết hiệu quả và không lặp lại vết xe đổ của những công việc không vui trước đây, bạn hãy ngồi xuống làm các bài tập hiểu rõ mình, tuốt tát lại CV và tìm việc chủ động hơn qua các mạng lưới quan hệ nhé.
Nếu bạn đang cần tư vấn thêm về hướng nghiệp và tìm việc, có thể đăng ký tư vấn cùng Tuấn Anh tại đây.