Trong một buổi tư vấn hướng nghiệp gần đây, một bạn trẻ mới tốt nghiệp đang đi làm công việc toàn thời gian đầu tiên đặt câu hỏi cho mình về việc “Em nên tiếp tục cố gắng hay nên nghỉ để chăm sóc lại sức khoẻ tinh thần?”. Nhận thấy đây là một câu hỏi có thể nhiều bạn trẻ hiện nay cũng đang gặp phải, mình xin phép chia sẻ một vài góc nhìn về chủ đề này.

1/ Có cách nào tìm được công việc như ý 100% hay không? Theo kinh nghiệm đi làm cá nhân của bản thân và kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp cho nhiều bạn trong khoảng 10 năm gần đây, mình cho rằng khó có công việc nào có thể khiến một cá nhân thoả mãn 100%. Một số người may mắn có thể có công việc như vậy, tuy nhiên đó là số ít. Trong mỗi một công việc chúng ta hãy sẵn sàng lường trước việc sẽ có những thứ không như ý. Có thể việc lương cao thì không đúng giá trị bạn muốn đóng góp xã hội. Công ty xịn như đồng nghiệp thì lại toxic. Việc nhàn nhưng lại không có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Nói chung là rất nhiều vấn đề.

Giải pháp ở đây là trong mỗi thời điểm chọn lựa công việc, bạn hãy xem đâu là những điều mình đang tìm kiếm và quan trọng nhất với mình vào thời điểm đó. Ví dụ với mình khi mới ra trường quan trọng là được thoả mãn sở thích, tìm được người sếp giỏi. Khi đi làm lâu và có gia đình thì tìm công việc lương cao, ổn định. Bạn có thể thử làm bài tập này để phân tích 7 tiêu chí khác nhau khi lựa chọn công việc.

2/ Khó khăn đến mức nào thì nên nghỉ? Quan điểm cá nhân của mình cho rằng sức khoẻ là quan trọng nhất, công việc thì có thể kiếm lại nếu thực sự có năng lực. Vì vậy nếu một công việc khiến bạn stress ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể chất trong thời gian dài (kiểu sáng nào dậy cũng sợ đi làm, tối ngủ mơ đến công việc và khóc, cân nặng tăng nhiều), hoặc khiến bạn dần mất đi những mối quan hệ chất lượng – đó là lúc bạn nên cân nhắc nghỉ.

Nếu khó khăn mới chỉ ở mức vừa phải và bạn mới chỉ bắt đầu làm việc ở nơi mới, hãy cân nhắc suy nghĩ ở lại thêm. Thực tế phải làm việc ở một doanh nghiệp đủ lâu, ít nhất khoảng 6 tháng đến 1 năm bạn mới đủ hiểu về doanh nghiệp, đủ được nhúng tay vào các công việc quan trọng và phần nào đánh giá mình hợp với việc đó hay không. Hãy coi việc rèn luyện khả năng “vượt khó” giống như việc tập tạ, mỗi sự khó khăn như một quả tạ nặng, nếu mình vượt qua được giống như việc mình đã nhấc được một mức tạ khó, như vậy mình giúp cơ bắp vượt khó của mình phát triển hơn.

3/ Một số việc nhỏ bạn có thể làm khi đang cảm thấy sự chán ngán trong công việc hiện tại.

  • Reflection: hãy viết ra những suy nghĩ của bản thân mỗi ngày, soi chiếu lý do thực sự mình đang cảm thấy chán, những lý do này tần suất ra sao, có lặp lại từ các trải nghiệm cũ hơn – từ đó có cái nhìn thấu đáo hỗ trợ cho việc lần sau chọn việc tốt hơn.
  • Giảm bớt kì vọng: một trong những lý do có thể khiến bản thân mình thất vọng nhiều đó là khi mình kì vọng nhiều ở bản thân. Mình kì vọng bản thân phải làm được điều này điều kia, mỗi ngày phải làm được nhiều việc có giá trị. Thật ra có những thời điểm chỉ cần mình thức dậy, ép bản thân mình đến chỗ làm, làm tròn trách nhiệm công việc đã là một việc tốt. Hãy bắt đầu bằng những kì vọng nhỏ để giảm bớt áp lực cho bản thân.
  • Tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia: có thể bạn là người biết rõ mọi vấn đề của mình, nhưng con người thường có thói quen lòng vòng trong mớ suy nghĩ của bản thân. Việc có cơ hội chia sẻ, trò chuyện giải bày với một chuyên gia tâm lý hoặc hướng nghiệp có thể giúp bạn cảm thấy giải toả hơn và từ đó có câu trả lời rõ ràng hơn.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.