Chúng ta thường tưởng rằng hành trình nghề nghiệp là một con đường bằng phẳng: vào đại học, học xong đại học, tìm một việc đúng ngành học, thực tập, thành nhân viên chính thức, dần dần làm quản lý nhỏ rồi quản lý to. Mọi chuyện cứ thể suôn sẻ xảy ra.

Tuy nhiên thực tế không có nhiều hành trình nghề nghiệp đẹp như mô tả trên, có rất nhiều những khó khăn thử thách có thể xuất hiện trong cuộc đời đi làm của mình. Thách thức mình hay nhận được nhiều câu hỏi gần đây nhất là “Không có kinh nghiệm thì viết CV thế nào?” hay “Tìm việc trái ngành thì cần bắt đầu từ đâu?“. Hai câu hỏi trên thôi thúc mình viết bài viết này, chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp bạn tìm việc hiệu quả hơn nếu bạn rơi vào hai trường hợp trên.

1/ Thái độ bù đắp kinh nghiệm

Trường hợp không có kinh nghiệm thường gặp ở các bạn sinh viên. Với các bạn còn trẻ, nhà tuyển dụng có một tiêu chí đánh giá gọi tắt là ASK – Attitude, Skill và Knowledge. Kỹ năng và kiến thức là những gì bạn tích lũy được thông qua ngành học và các hoạt động tại trường đại học, tuy nhiên còn một điều nữa nhà tuyển dụng sẽ đánh giá là thái độ của bạn.

Thái độ dễ đánh giá nhất là trong quá trình gặp gỡ nói chuyện hoặc quan sát trực tiếp làm việc; tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội đến được vòng phỏng vấn để trò chuyện trực tiếp hay đi thực tập để nhà tuyển dụng quan sát – vì vậy nhà tuyển dụng sẽ chấm tạm thái độ của bạn thông qua một số cách.

Đầu tiên là sự chỉn chu của bạn trong hồ sơ tìm việc và cách gửi email. Bản CV của bạn đã chỉn chu về mặt hình thức và đầy đủ về nội dung chưa? CV của bạn có lỗi chính tả gì không? Email của bạn đã chuyên nghiệp chưa? Email có tên, hình ảnh, chữ ký, khi gửi mail cần có tiêu đề và nội dung rõ ràng. Điều này với những bạn đã đi làm nghe có vẻ rất bình thường, ai mà chẳng biết, tuy nhiên từ kinh nghiệm đi dạy tại trường đại học cho các em sinh viên của Tuấn Anh, mình thấy rằng rất nhiều em gặp phải những lỗi cơ bản này. Chưa cần phải làm gì quá cao siêu, các em khắc phục được những lỗi sai trong email và CV là đã giúp cho bản thân qua được vòng gửi xe ban đầu rồi.

Thứ hai là thái độ của bạn trên mạng xã hội, điều này không chắc chắn 100% nhà tuyển dụng sẽ làm – bởi không phải ai cũng soi Facebook của bạn, tuy nhiên có thể một số nhà tuyển dụng cũng vào xem Facebook bạn để đánh giá nhanh bạn là người như thế nào. Nhà tuyển dụng thường không rảnh đi tìm Facebook của bạn, nên người ta sẽ vào xem nếu bạn để link Facebook trong CV. Thường Facebook chúng ta đa số là chia sẻ những tin tức giải trí hoặc rất ít liên quan đến công việc, chính vì vậy mình thường khuyên các bạn nên thay thế bằng mạng xã hội LinkedIn sẽ tốt hơn. Nếu đã xác định để link Facebook trong CV, hãy chắc chắn khi một người ấn vào sẽ thấy những thông tin có ích và tích cực về bạn.

2/ Bổ sung thêm học vấn

Trong trường hợp bạn mới ra trường hoặc đổi sang một ngành mới hoàn toàn, bạn không có kinh nghiệm đi làm thực tế trong ngành đó – một giải pháp có thể giúp ích là bổ sung thêm những học vấn liên quan đến ngành mà bạn đang theo đuổi.

Nếu bạn mở CV của mình hoặc xem qua một số CV của bạn bè sẽ thấy, phần học vấn đa số chỉ có thông tin bằng cử nhân tại đại học, một số người có thêm bằng thạc sĩ – không có gì hơn. Hãy bổ sung thêm những khóa học ngắn học trực tiếp hoặc trực tuyến liên quan đến ngành bạn học.

Ví dụ bạn tốt nghiệp ngành Kế toán nhưng bây giờ muốn làm Nhân sự, việc bạn có thể làm là tìm học những khóa học về nhân sự trực tiếp hoặc trực tuyến để bổ sung. Thời buổi dịch bệnh và công nghệ đang phát triển nhanh như hiện nay, học trực tuyến là điều mình khuyến khích. Ví dụ bạn lên trang Unica sẽ có rất nhiều khóa học trực tuyến về nhân sự bằng tiếng Việt như khóa quản trị nhân sự này. Ngoài ra bạn có thể học trên Kyna hoặc một số trang nước ngoài như Udemy, LinkedIn Learning, Coursera.

Một cách khác nữa là bổ sung vào học vấn những cuốn sách về ngành mà bạn đã đọc và thấy tâm đắc. Lấy ví dụ tốt nghiệp ngành tài chính nhưng đang quan tâm Marketing, bạn có thể bổ sung vào những cuốn sách Marketing như Người trong muôn nghề, Tiktok Marketing hay Digital Marketing – Từ Chiến Lược Đến Thực Thi. Hãy chắc chắn đây là những cuốn sách bạn đã đọc chứ đừng viết vào cho có. Bạn có thể đọc xong, viết review hoặc phân tích của bản thân lên một trang blog hoặc đâu đó, rồi để link phần review đó vào CV.

3/ Kỹ năng chuyển đổi

Có những bạn đã đi làm vài năm trong ngành A bây giờ muốn chuyển sang ngành B. Hay có những bạn sinh viên đã tham gia rất nhiều hoạt động ở trường nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế. Những bạn này thường lo lắng về chữ ‘không có kinh nghiệm’.

Mình có thể đỡ tạm cho việc không có kinh nghiệm này bằng các kỹ năng chuyển đổi – transferable skills. Kỹ năng chuyển đổi tức là những kỹ năng có ích cho nhiều công việc khác nhau. Ví dụ, ‘chạy quảng cáo Facebook’ là một kỹ năng cứng chỉ dùng được trong Marketing, không bê qua kế toán được, không phải kỹ năng chuyển đổi. Kỹ năng chuyển đổi là giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, nghiên cứu… và rất nhiều kỹ năng khác (bạn có thể tìm từ khóa Kỹ năng chuyển đổi trên Google). Bạn có thể viết các kỹ năng này vào CV, và đừng quên dùng Cover Letter để chọn ra một kỹ năng bạn thấy liên quan nhất và mình làm tốt nhất để kể ra một câu chuyện theo phương pháp S.T.A.R bạn đã sử dụng kỹ năng đó như thế nào.

Việc có ví dụ để chứng minh cho kỹ năng chuyển đổi rất là quan trọng, vì những thứ như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình thì ai cũng có thể dễ dàng viết vào CV, nhưng ai mới là người có câu chuyện mang tính thuyết phục cho nhà tuyển dụng. Ví dụ Tuấn Anh học Marketing muốn ứng tuyển làm nhân sự, vì chưa có kinh nghiệm làm nhân sự nên Tuấn Anh sử dụng một kỹ năng chuyển đổi đó là “kỹ năng nghiên cứu thị trường“. Mình kể một câu chuyện về một dự án Marketing mình làm, mình đã sử dụng kỹ năng nghiên cứu này để phân tích khách hàng từ đó tạo ra một chiến lược phù hợp với thị hiếu của khách. Mình có thể chuyển đổi kỹ năng này áp dụng sang nhân sự bằng cách sử dụng để phân tích các đối tượng ứng viên, từ đó tạo ra chiến lược tuyển dụng phù hợp để thu hút nhiều nhân tài hơn. Đó là một câu chuyện.

4/ Viết “Pain Letter” – thư giải quyết ‘nỗi đau’

Bên cạnh CV và Cover Letter đã rất thông dụng rồi, bạn có thể thử viết một loại hình thư mới có tên là thư giải quyết ‘nỗi đau’. Khi một công ty tìm người, họ có một ‘nỗi đau’ cần giải quyết. Tuyển Sale để giải quyết nỗi đau bán hàng. Tuyển kế toán để giải quyết nỗi đau thuế má chứng từ. Tuyển nhân sự để giải quyết nỗi đau quản trị con người – vân vân. Khi bạn ứng tuyển cho một vị trí, hãy suy nghĩ xem vị trí đó giải quyết được nỗi đau gì cho công ty.

Khi đã suy nghĩ ra nỗi đau, hãy viết một bức thư đề xuất những hướng giải quyết nếu bạn có cơ hội vào làm. Viết thật cụ thể và chi tiết, tưởng tượng giống như bạn đã được vào làm rồi và đang viết bảng kế hoạch làm việc để gửi cho sếp vậy. Chi tiết về tuần đầu tiên bạn làm gì, tháng đầu tiên, ba tháng đầu tiên, sáu tháng? Rất có thể những gì bạn nêu ra sẽ không thành hiện thực, nhưng chí ít nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn rất hiểu công việc này và có những kế hoạch cụ thể.

Việc này không nhiều người làm, nên mình cam đoan nếu bạn làm được thì sẽ là một điểm cộng lớn.

5/ Tìm việc qua mạng lưới quan hệ

Khi bạn không có kinh nghiệm hay tìm một công việc trái ngành, nhìn vào hồ sơ của bạn rất yếu so với những người đã có kinh nghiệm hay đúng ngành. Vấn đề là chưa chắc bạn đã không có năng lực. Mình gặp rất nhiều bạn tuy chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, nhưng tư duy và kỹ năng rất tốt, mình tin nếu bạn được nhận thì thừa sức làm được những công việc mà công ty đang yêu cầu. Vấn đề là làm sao cho người ta thấy mình có tư duy và kỹ năng tốt?

Bạn cần mở rộng việc tìm việc chủ động thông qua các mối quan hệ. Việc viết CV và ứng tuyển trên các trang tuyển dụng là một cách, nhưng cách này thông thường và bị động. Bên cạnh việc này, bạn cần tạo một hồ sơ trên trang LinkedIn, cập nhật đầy đủ thông tin của mình trên đó, có thể viết một bài tự giới thiệu CV của mình.

Bạn cũng nên xác định rõ xem mình đang muốn tìm công việc gì hay kiểu công ty nào, hay mức lương tầm bao nhiêu. Sau đó, bạn liên hệ các Headhunter trên LinkedIn hoặc các anh chị, bạn bè trong mạng lưới của mình – chia sẻ rõ những điều trên và nhờ họ giới thiệu cho bạn những công việc mà họ biết. Điều này sẽ giúp bạn tiếp cận một thế giới nghề nghiệp rộng hơn nhiều so với việc chỉ ứng tuyển trên mạng. Bởi lẽ, không phải công ty nào cũng đăng tuyển, có những công ty chỉ tuyển dụng qua nội bộ hoặc người quen – vậy nên nếu bạn tiếp cận qua hình thức này thì sẽ mở rộng cơ hội cho bản thân.

Trên đây là một số cách Tuấn Anh đã từng sử dụng và hướng dẫn cho các bạn thân chủ mà mình hỗ trợ định hướng nghề nghiệp và tìm việc, thấy rất hiệu quả. Tuấn Anh viết lại để chia sẻ cùng các bạn, chúc các bạn tìm được công việc tốt cho mình.

Các bạn có thể đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh tại đây, theo dõi thêm các kênh Tiktok, YouTube, Podcast của mình (link trên menu) để cập nhật thêm những thông tin khác nhé.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.