Trong đời chúng ta ai hẳn cũng trải qua một hoặc một vài lần thất nghiệp. Sớm thì là thời điểm chuẩn bị hoặc mới ra trường, thấy bạn bè mình tìm được việc này việc kia còn mình thì vẫn chưa đâu vào đâu. Sau này đi làm rồi thì mỗi khi đổi việc là một nỗi sợ khác nhau liên quan đến sự thất nghiệp. Sợ hết tiền. Sợ thấy bản thân mình như một kẻ thất bại. Sợ mình tụt lùi khi so sánh với những người xung quanh. Sợ những lời đàm tiếu, đánh giá từ gia đình, họ hàng, xã hội.
Những nỗi sợ này thường xuất hiện trong giai đoạn không có việc làm, nếu không được giải quyết sẽ từ từ làm bạn thấy stress, căng thẳng, dẫn đến khó ngủ, đau đầu, ăn uống không ngon hoặc không tập trung làm được gì cả. Những nỗi sợ như trên không có phân biệt tuổi tác, trẻ hay già thì đứng trước thất nghiệp đều có những nỗi sợ như nhau.
Có những nỗi sợ là động lực để chúng ta tiến lên và có những nỗi sợ dìm chúng ta xuống đáy, làm cho chúng ta không còn động lực để làm những điều nên làm. Những nỗi sợ ở trên thuộc nhóm nỗi sợ thứ hai. Những nỗi sợ kiểu này thường làm cho bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân, không tự tin ứng tuyển công việc mới, đi làm không tập trung và ảnh hưởng đến năng suất công việc.
Giải quyết những nỗi sợ thất nghiệp là bước đầu tiên trên hành trình định hình lại bản thân tìm công việc mới ưng ý hơn, trong bài viết này Tuấn Anh chia sẻ đến các bạn một số phương pháp để giải quyết những nỗi sợ trên nhé.
1/ Chuẩn bị kế hoạch tài chính từ trước
Nỗi sợ đầu tiên rõ mồn một nhất có lẽ là nỗi sợ hết tiền. Với những người không có nhiều khoản tiết kiệm, tiền tháng nào tiêu hết tháng đó thì thường dễ gặp nỗi sợ này nhất. Lý do là nếu nghỉ việc ngay bây giờ, tháng sau bạn không biết đào đâu ra tiền để chi tiêu. Vấn đề tài chính không thể thay đổi ngày một ngày hai, đó là cả một quá trình thay đổi tư duy. Nếu bạn đã bắt đầu kiếm ra tiền khi đọc bài viết này, đây là một số điều bạn có thể làm ngay từ bây giờ giống như việc xây “hầm” dự phòng cho bản thân để “nỗi sợ hết tiền” không phải nỗi sợ lớn khi không có việc.
- Bạn cần tiết kiệm quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp là một khái niệm rất nổi tiếng trong tài chính cá nhân, nói về việc bạn nên có sẵn một khoản tiết kiệm tương đương 3-6 hoặc thậm chí 12 tháng chi tiêu của bạn. Ví dụ một tháng bạn tiêu 10 triệu, bạn nên tiết kiệm 30, 60 hoặc 120 triệu. Có quỹ này, bạn có thể tự tin nghỉ một công việc mà không lo đói trong ít nhất 3 tháng tiếp theo.
- Tư duy chi < thu và không nâng chi tiêu tỉ lệ thuận theo thu nhập. Cái dở nhất của người đi làm là chi tiêu tăng lên đồng thời cùng với thu nhập. Tuấn Anh từng có thời gian trò chuyện cùng các anh chị làm ở những tập đoàn lớn như Novaland, Vingroup với mức lương vài chục triệu mỗi tháng. Tuy rằng các anh chị không thích công việc hiện tại, stress, căng thẳng – nhưng không thể nghỉ vì các anh chị đang vướng phải “bẫy thu nhập” – tức đã quen chi tiêu hàng tháng với mức lương hiện tại, giờ khó thoát ra được. Để giải quyết được việc này, bạn hãy thử vạch ra cho bản thân mức chi tiêu tối thiểu một tháng cần phải trả là bao nhiêu, sau đó từ từ cộng thêm các con số khác. Tối thiểu ở đây là những chi phí cơ bản như nhà cửa, ăn 2-3 bữa/ngày, xăng xe…
2/ Ngưng so sánh và đối chiếu với người khác
Lúc không có việc chúng ta thường trò chuyện hoặc nhìn ngó người khác, vì chúng ta rảnh mà. Khi trò chuyện nhìn ngó như vậy, nếu tâm lý không vững chúng ta dễ sinh tâm lý so sánh với công việc, thành tựu của bạn bè mình. Tại sao bạn bè mình có được những cơ hội mà mình không có. Tại sao bạn ấy đạt được những gì mình không đạt được dù bằng tuổi. Tại sao bạn ấy không gặp những vấn đề giống mình?
Không nên có những câu so sánh giống như trên. Bạn cần hiểu rằng mỗi người sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau, có mối quan tâm nghề nghiệp khác nhau, sở thích và kỹ năng khác nhau và cũng gặp những vấn đề khác nhau. Khi bạn thấy bạn cùng tuổi mình không gặp vấn đề giống mình, không có nghĩa là họ không gặp những vấn đề khác. Ví dụ từ chính bản thân Tuấn Anh là một người làm công việc tự do, khi nhìn bạn bè làm công sở thấy các bạn không gặp phải những lo lắng về tiền nong như mình, hoặc là thấy bạn lên vị trí quản lý cấp cao hơn mình. Có thể bạn không có những vấn đề nghề nghiệp giống như mình, nhưng khi hỏi kỹ bạn lại có những lo lắng khác về ‘drama công sở’, ‘kỹ năng lãnh đạo’, ‘sức khoẻ tinh thần’ và nhiều vấn đề khác.
Tuấn Anh xin bày bạn một số giải pháp để hạn chế việc so sánh bản thân mình với người khác đó là:
- Trong khi rảnh rỗi, tập bỏ thói quen lướt Newfeed mạng xã hội hoặc các trang tin tức. Thay vào đó, chỉ vào đọc các bài trang blog theo mục đích bạn có từ trước, hoặc chuyển sang đọc sách, xem các video trên TED.
- Mỗi ngày hãy vạch ra 2-3 điều quyết tâm thực hiện trong hôm nay, cuối ngày xem mình đã hoàn thành được những điều đó chưa. Nếu rồi thì ăn mừng thành công, nếu chưa thì xem ngày mai có thể cố gắng hơn thế nào để hoàn thành.
- Cuối mỗi ngày bạn hãy dành ra vài phút viết Sổ biết ơn, ghi ra 3 điều bạn biết ơn trong cuộc sống ngày hôm nay.
3/ Sợ công việc tiếp theo không ưng ý
Nhiều bạn ngần ngại nghỉ công việc hiện tại để tìm công việc mới vì sợ công việc mới có những điều không ưng ý. Lỡ như công việc mới không bằng công việc cũ thì sao? Lỡ như lại chọn sai rồi thì phải làm sao – không lẽ cứ chọn lại cả đời.
Điều đầu tiên bạn cần hiểu rằng chúng ta không thể biết trước và kiểm soát được 100% những điều có thể xảy đến trong tương lai. Việc cố gắng đoán trước tương lai diễn ra như thế nào để cố gắng tránh khỏi nói là điều không thể. Điều đó có nghĩa là hôm nay bạn chọn công việc A vì bạn thấy sếp giỏi đồng nghiệp hay, nhưng 1 năm sau bạn thấy những con người đó thật tệ bạc là chuyện hoàn toàn bình thường. Chúng ta không nhìn trước được 1 năm tới sẽ diễn ra như thế nào. Vì không nhìn trước được tương lai, có 2 điều bạn có thể làm thay đó là:
- Rà soát lại quá khứ và liệt kê ra những ‘red flag’. Đâu là những tín hiệu không ổn trong các công việc ở quá khứ bạn không muốn lặp lại? Bạn có thể soi chiếu lại 7 tiêu chí chọn công việc và đánh giá xem tiêu chí nào là tiêu chí tối kị bạn không muốn gặp phải trong công việc tới. Ví dụ, giá trị công việc không đúng giá trị sống bản thân? Sếp và đồng nghiệp quá drama? Vị trí địa lý qua xa và phải làm OT nhiều?
- Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đương đầu với mọi sự không lường trước được. Vì chúng ta đang ở trong một xã hội khó đoán định, thay vì cố kiểm soát mọi thứ, chúng ta trang bị cho bản thân một tinh thần dấn thân. Dù phía trước còn mù mờ nhưng vẫn dấn thân vì có một số dấu hiệu đúng hiện tại. Nếu chẳng may chuyện không như ý mình thì thay vì than trách, mình ngồi xem lại xem có thể chỉnh sửa điều gì.
4/ Trang bị kỹ năng tìm việc thật giỏi
Tưởng tượng việc thất nghiệp giống như việc bạn đi lạc trong rừng. Nếu bạn có trong tay một bộ đồ nghề đi rừng tốt + những kỹ năng sinh tồn trong rừng, bạn sẽ sống ổn và vượt qua được cánh rừng đó.
Bộ đồ nghề đi rừng khi tìm việc đó là CV, Cover Letter, Portfolio, LinkedIn và những kỹ năng liên quan đến công việc. Nếu chưa làm, bạn cần dành thời gian chỉnh sửa CV tốt hơn. Xây dựng thêm trang Portfolio nếu bạn đang làm các công việc viết lách, sáng tạo và thêm trang LinkedIn nếu bạn muốn mở rộng các mối quan hệ. Tuỳ theo ngành nghề bạn đang ứng tuyển, bạn cân nhắc lên các trang học tập trực tuyến như Unica, Kyna, Gitiho (tiếng Việt) hay Coursera, Udemy (tiếng Anh) để học thêm các khoá học ngắn hạn liên quan đến công việc đang ứng tuyển.
Những kỹ năng sinh tồn bao gồm việc bạn biết ứng tuyển như thế nào cho hiệu quả trong thời đại hiện nay. Ví dụ, bạn biết cách xây dựng hồ sơ LinkedIn, nhắn tin cho các anh chị làm tuyển dụng trên LinkedIn để giới thiệu bản thân. Bạn biết tự tìm ra email của công ty bạn đang yêu thích và viết hồ sơ tự ứng tuyển. Cùng nhiều cách khác nữa.
Không ai muốn thất nghiệp quá dài vì thất nghiệp mang lại rất nhiều nỗi lo. Nếu bạn đang cần định hình lại sự nghiệp của bản thân và tìm công việc mới hiệu quả hơn, bạn có thể đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh tại đây. https://anhtuanle.com/tuvan/