Trong ba buổi tư vấn hướng nghiệp gần đây, cùng một bạn 1994 và hai bạn 1999 – Tuấn Anh đều bắt gặp một câu chuyện chung là “các bạn sợ không biết rằng nghề hiện tại mình theo đuổi có phải là nghề phù hợp nhất không, lỡ ngoài kia còn nhiều nghề khác hay hơn mà do mình chưa trải nghiệm nên chưa biết thì sao?”. Điểm chung của các bạn là đều đã trải nghiệm một số công việc nhất định, thấy công việc hiện tại ổn nhưng vẫn sợ rằng mình bỏ lỡ những thứ ổn hơn mà mình chưa biết.

Câu chuyện cụ thể:

Để Tuấn Anh chia sẻ cụ thể hơn về ba ví dụ trên, xem bạn có thấy mình trong đó không nhé (tên và các thông tin công ty được Tuấn Anh đổi để bảo mật thông tin).

  1. Bạn Thành, 1994 – tốt nghiệp ngành IT nhưng đang làm Business Analyst tại một tập đoàn nước ngoài. Ngoài công việc bạn rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa có tính tương tác con người cao như tình nguyện, tổ chức sự kiện, vân vân. Tuy rằng công việc hiện tại của bạn ổn nhưng bạn vẫn có băn khoăn phần nào về việc ngoài kia có nhiều công việc bạn chưa thử, lỡ những công việc đó tốt hơn thì sao?
  2. Bạn Thịnh, 1999 – sinh viên năm ba ngành Công nghệ sinh học. Bạn là người vừa giỏi về kiến thức chuyên môn nghiên cứu sinh học, lại rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa tại trường. Thực tế là bạn đã có dự định học Master 2 năm lên cao hơn về ngành sinh học, tuy nhiên bạn vẫn cứ băn khoăn lỡ như mình học 2 năm đó xong mà không đúng ngành nghề mình theo đuổi trọn đời thì sao?
  3. Bạn Yến, 1999 – cũng sinh viên năm ba ngành Công nghệ sinh học. Khác với bạn Thịnh, bạn Yến là một người không thích năm các nghiên cứu chuyên môn, thay vào đó bạn rất giỏi thiết kế, cực kỳ sáng tạo và thích các công việc cộng đồng. Thực tế bạn cũng nhận ra điều này và đã khẳng định thông qua thành tích xuất sắc khi tham gia tổ chức các hoạt động xã hội – tuy nhiên bạn vẫn sợ rằng “đã mất công học 4 năm ngành Sinh học rồi mà giờ không làm trong ngành này thì sẽ bị phí”, tuy thích lĩnh vực Truyền Thông – Kinh Doanh vậy đó nhưng lỡ không đúng thì sao?

Lý do tại sao chúng ta lại lo lắng như vậy:

Trước khi đi tìm phương án để giải quyết một vấn đề, Tuấn Anh tin rằng trước tiên chúng ta phải hiểu rõ nguyên nhân tại sao dẫn đến vấn đề đó trước. Ví dụ để cơ thể khỏe mạnh hơn chúng ta có rất nhiều giải pháp như: tập gym, ăn uống điều độ, ngủ điều độ, uống thuốc bổ sung hay trị liệu tâm lý. Cách nào cũng tốt – cũng hay, tuy nhiên chúng ta chỉ biết cần phải chọn cách nào khi chúng ta hiểu rõ bản thân mình đang gặp vấn đề nào ở trên. Vậy đây là một số nhìn nhận của Tuấn Anh về nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng không chọn đúng nghề của các bạn ở trên:

  • Thứ nhất, do đặc điểm tính cách Xã hội trong các bạn (nhấn vào đây để biết thêm về nhóm Xã Hội theo lý thuyết Holland). Tóm gọn, những người Xã Hội là những người thích/giỏi tương tác với người khác, hay tham gia các hoạt động cộng đồng, có khả năng lắng nghe và thấu hiểu tốt. Tuy nhiên, trong mỗi điểm mạnh thì sẽ có điểm mù. Vì tương tác với nhiều người, dễ thấu hiểu nên nhóm này dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. Càng gặp gỡ nhiều người, các bạn càng có cơ hội được biết về nhiều nhóm ngành nghề. Càng biết về nhiều nhóm ngành nghề và nghe về những cái hay của nghề đó – các bạn càng dễ bị phân vân, đắn đo. Chính vì vậy, điều này dễ dẫn đến việc đứng núi này trông núi nọ.
  • Thứ hai, rất có thể bạn có đặc điểm tính cách của nhóm Nghiệp Vụ, những người thích sắp xếp và muốn mọi thứ phải có trình tự rõ ràng – kể cả những kế hoạch tương lai trong nghề nghiệp. Bạn muốn biết chắc chắn 100% mục tiêu mình hướng đến là đúng, trước khi lập kế hoạch từng bước để hướng đến mục tiêu đó. Chính vì vậy, khi không tìm được sự 100% chắc chắn trong việc chọn một nghề, bạn dễ rơi vào tình cảnh hoang mang lo lắng.
  • Thứ ba, do những tác động bên ngoài từ truyền thông và người thân trong gia đình. Ví dụ, ba mẹ cô dì chú bác khuyên nên làm nghề này nghề kia cho ổn định – minh chứng rõ ràng nhất là công việc của ba mẹ hoặc con nhà cô này chú kia đang có lương rất khá, thăng tiến mỗi năm. Ví dụ khác, Kênh14 hay CafeBiz luôn luôn nói về việc người trẻ phải làm công việc phù hợp với đam mê, sở thích và chia sẻ những tấm gương theo đuổi đam mê thành công – nếu không thành công thì bạn đang có vấn đề.

Thực trạng xã hội hiện nay:

Thị trường nghề nghiệp hiện nay đang được mô tả trong 1 cụm từ rất hay là V.U.C.A – là viết tắt của Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ). Cụ thể là:

  1. Biến động: Thay đổi chóng mặt trong môi trường kinh doanh mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, chúng diễn ra trên mọi chiều kích: lĩnh vực thay đổi, tốc độ thay đổi và phạm vi thay đổi. Thay đổi sâu và rộng trong mọi lĩnh vực, cùng sự tương tác đa chiều, khiến người tìm việc không kịp tiếp nhận thông tin và nắm bắt những biến động mới.
  2. Sự không chắc chắn: Do sự biến động phức tạp như vậy, nên chúng ta không thể dự đoán chính xác được các sự kiện trong tương lai. Điều này dẫn đến sự không chắc chắn trong các quyết định của người tìm việc.
  3. Sự phức tạp: Quá nhiều yếu tố liên quan và tác động qua lại nhanh chóng, dẫn đến nhầm lẫn lan rộng, không xác định được tường minh, rõ ràng nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức.
  4. Sự mơ hồ: Mất dần kiểm soát với các điều kiện và yếu tố trong môi trường kinh doanh phức tạp, khiến mọi thứ dần trở nên mơ hồ.

Tóm gọn lại là, không có gì chắc chắn trong các ngành nghề trong tương lai cả. Có nghề sẽ mất đi, có nghề mới sẽ xuất hiện, có những nghề sẽ thay đổi. Chính vì vậy, nếu bạn đang chọn mục tiêu cho bản thân là theo đuổi một ngành nghề suốt đời, bạn rất dễ bị lạc lối. Nếu bạn muốn tìm ra tên một ngành nghề để theo đuổi trọn đời, bạn sẽ phải chạy theo những biến động như đã nói ở trên, từ đó bản thân bạn cũng sẽ luôn luôn trong trạng thái biến động như vậy.

Giải pháp:

Hãy chọn theo đuổi điều gì mà bản thân chúng ta kiểm soát được.

Thế giới nghề nghiệp biến động không kiểm soát được, tuy nhiên bản thân chúng ta kiểm soát được những gì có bên trong mình. Đó là: Kỹ năng, Giá trị và Tính cách.

Thay vì dành nhiều thời gian để tìm hiểu tất cả các ngành nghề, bản thân mỗi người chúng ta hãy dành nhiều thời gian để xem lại xem:

  • Mình đang có những kỹ năng gì? Kỹ năng nào trong đó mình thích và giỏi? Kỹ năng nào trong đó mình giỏi nhưng không thích?
  • Giá trị nghề nghiệp mình đang theo đuổi là gì? Sự thăng tiến? Sự giúp đỡ? Tiền bạc?
  • Tính cách của mình hợp với những người và kiểu công việc như thế nào?

Để trả lời được ba câu hỏi trên, bạn cần dành thời gian xem xét lại nghiêm túc các trải nghiệm mình đã có từ trước đến giờ. Hãy dành ra 30-60 phút cùng một cây bút và một trang giấy trắng, viết tất cả những điều bạn nghĩ có liên quan đến 3 câu hỏi trên – đừng dùng Facebook hay xem YouTube trong thời gian này. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí, chỉ cần bạn nghiêm túc đầu tư thời gian cho nó.

Khi bạn đã hiểu rõ bản thân rồi, từ đó bạn bắt đầu dành thời gian để tìm công việc càng khớp càng tốt với những tiêu chí bạn vạch ra ở trên. Ở trong một điều kiện hoàn hảo, một công việc sẽ khớp 100% với mọi tiêu chí bạn đề ra. Tuy nhiên, hiếm có trường hợp nào như vậy. Cá nhân mình thấy sẽ rất tốt nếu bạn có một công việc hợp 60-70% các tiêu chí trên và dần dần trong quá trình làm việc, chúng ta tìm cách để tăng dần độ hợp đó lên.

Mình không nói rằng bạn nên ngừng học kỹ năng mới hay tìm hiểu các ngành nghề. Tuy nhiên, bạn nên ngừng lại một thời gian, dành sự tập trung đó cho việc hiểu mình hơn, cũng như tránh xa những tác động từ mạng xã hội hay bạn bè để đối thoại với chính mình nhiều hơn.

Chúc bạn bình an trong mọi quyết định.

Để đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh, bạn có thể vào link: http://bit.ly/tuvan-anhtuanle

Một số bài viết khác liên quan đến chủ đề này:

1 bình luận cho “Tìm Kiếm Một Nghề Theo Đuổi Suốt Đời”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.