Hôm nay mình chia sẻ về những đức tính mình thấy dễ thương ở một người khác; và mình tin nếu mình luyện những đức tính này, mình cũng trở nên dễ thương. Bạn cũng thế.
1. Không cố để gây ấn tượng với người khác
Một bộ quần áo đẹp, một cái điện thoại xịn, một chiếc xe to to – người ta có thể thích những thứ đó, nhưng không có nghĩa là người ta cũng thích mình.
Một mối quan hệ dựa trên những thứ tài sản hữu hình sẽ chẳng phải là một mối quan hệ bền vững. Nếu mình sử dụng những thứ đồ trên để gây ấn tượng với một người khác, vậy phải chăng khi mình không còn những thứ đồ đó nữa – mình sẽ không còn ấn tượng gì?
Sẽ thật ấn tượng hơn nếu mình có kiến thức từ những cuốn sách mình đọc, có trải nghiệm từ những chuyến du lịch đã trải qua hay từ những thất bại trong cuộc sống.
2. Không cố kiểm soát người khác theo ý mình
Đôi khi mình nghĩ rằng để tốt cho một người, người đó cần làm điều này điều kia theo ý mình. Bố mẹ muốn con cái học theo ngành bố mẹ chọn để tốt cho con. Đứa bạn thân khuyên đứa bạn mình bỏ thằng này theo thằng kia vì tao thấy như thế tốt cho mình. Người yêu muốn bắt người yêu mình phải đọc sách, tập thể dục này kia vì như thế tốt cho họ.
Có thực sự tốt cho họ không? Hay chúng ta đang cố gắng điều khiển cuộc sống người khác theo một tiêu chuẩn riêng của mình. Cách tốt nhất để giúp người khác đó là vô tác, ở cạnh bên khi họ cần, luôn ủng hộ mọi quyết định của họ, chỉ đưa ra lời khuyên khi được hỏi – và đừng khuyên với một kỳ vọng họ sẽ làm theo 100% ý mình.
3. Không đổ lỗi cho người khác
Khi một điều không như ý xảy ra, đổ lỗi cho một ai đó hay một việc gì đó là việc rất dễ làm. Chúng ta đi muộn, tại vì kẹt xe quá. Chúng ta làm việc trễ deadline, vì gia đình có chuyện. Chúng ta chạy không đủ doanh số, vì khách hàng thế này thế kia. Nói chung, đổ lỗi là một chuyện dễ ẹc. Nhưng không dễ thương.
Dễ thương là khi mình dũng cảm nhận trách nhiệm rằng đó là lỗi của mình. Đi muộn, vì mình chủ quan không canh giờ. Trễ deadline, vì mình không đánh giá đúng khối lượng công việc. Không đủ doanh số, vì mình chưa làm tròn trách nhiệm đề ra. Có dám nhận trách nhiệm, mình mới dám nhìn vào chỗ sai của mình để bắt đầu sửa chữa chứ.
4. Không ngắt lời người khác
Ngắt lời người khác khi đang nói rất là thô lỗ, trong hoàn cảnh nào cũng vậy. Khi một người đang nói mà bạn nhảy vào họng người đó, với người đó có nghĩa là Mình chẳng lắng nghe bạn thật lòng đâu, mình chỉ đang nghe để cố được nói thôi.
Có một cách khiến cho người đối diện cảm tình với mình rất dễ, đó là tập trung lắng nghe hoàn toàn. Hiện diện hoàn toàn ở đó, tập trung hoàn toàn vào những điều mà người kia đang chia sẻ. Hỏi họ những câu hỏi nếu mình không hiểu câu chuyện của họ.
5. Không than vãn chuyện đã xảy ra rồi
Một chuyện không như ý đã xảy ra, buồn thì buồn thật, nhưng thật sự than vãn kêu ca phàn nàn về chuyện đó không có giải quyết được gì, lại còn làm cho những người xung quanh khó chịu hơn.
Thay vì nói về những gì đã sai xảy ra (nói một lần rồi thôi), sao chúng ta không dành thời gian cùng trao đổi xem cần làm gì để lần tới không tái diễn sai phạm đó hoặc lần tới làm tốt hơn.
6. Không chỉ trích người khác
Có thể bạn đọc nhiều sách hơn. Có thể bạn nhiều kinh nghiệm hơn. Có thể bạn đã đi làm nhiều hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn thông minh hơn, giỏi hơn, thông thái hơn một người khác.
Điều đó chỉ làm cho bạn biết nhiều kiến thức hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, va vấp nhiều hơn mà thôi – nói chung, là tạo ra một bạn khác so với những người khác.
Mỗi người chúng mình đều khác nhau, chẳng có ai giống ai cả. Cũng chẳng có ai giỏi hơn, ai kém hơn, chỉ là khác nhau thôi. Thay vì nhìn vào chuyện giỏi và kém để chỉ trích nhau, chúng ta hãy cứ xem như là mọi người đều khác nhau mà thôi.
7. Không coi những gì mình biết là chân lý
Càng học nhiều và biết nhiều, mình càng dễ rơi vào cái bẫy biết tuốt và nghĩ rằng kiến thức của mình là chân lý, của người khác là sai.
Thật ra, chẳng có kiến thức nào là đúng hoàn toàn cả.
Thay vì cứ áp đặt người nghe rằng mình luôn đúng, mình học được rằng mình chỉ chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân, có thể đúng hoặc sai, và mình cũng đang trên con đường học hỏi.
8. Không sống với quá khứ
Những kinh nghiệm quá khứ rất là quý, nó giúp cho chúng ta có thể học được nhiều điều. Học xong rồi thì nên để nó qua đi chứ đừng vương vấn quá nhiều.
Nói thì dễ, làm được quả thật là khó. Nó tùy thuộc vào sự tập trung của mình mà thôi. Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, mình coi đó là một cơ hội để mình học một thứ gì đó mà mình chưa biết. Khi ai đó làm sai điều gì đó, mình coi đó là một cơ hội để mình thấu hiểu và tha thứ cho người ta.
Quá khứ là một hình thức tập luyện, quá khứ không định hình con người mình. Bạn có thể nghĩ về những điều bạn đã làm sai, nhưng nghĩ để tìm hiểu xem làm thế nào tốt hơn là đủ rồi.
Các bài viết khác của mình: https://anhtuanle.com/articles/
- Rèn luyện 21 thói quen này mỗi ngày, mục tiêu nào bạn đề ra cũng thành đơn giản (Phần 2)
- Rèn luyện 21 thói quen này mỗi ngày, mục tiêu nào bạn đề ra cũng thành đơn giản (Phần 1)
- Làm sao để trở thành một người viết hay?
- Bạn có phải là kiểu người hướng nội ‘năng động’?
- 5 thói quen tôi làm để sắp xếp công việc mỗi ngày
- 10 kĩ năng quản lý thời gian mình đang áp dụng mỗi ngày
- 5 phút có thể làm được vô số việc
- Nhiều tips làm việc hiệu quả quá? Làm theo cái nào bây giờ?
1 bình luận cho “Một người như thế nào thì dễ thương”
Em thấy anh nói rất chính xác
ThíchThích