Làm việc trong một môi trường có nhiều người nghiên cứu và đòi hỏi sự rõ ràng về các con số, mình học được rằng muốn chứng minh cho người khác một điều gì đó – nên có bằng chứng và các con số rõ ràng. Áp dụng vào cuộc sống cá nhân của bản thân, nếu biết bản thân mình có đang tiến bộ ở một chuyện gì đó hay không, hay để biết được bản thân mình đang dành bao nhiêu thời gian cho việc gì đó – cách tốt nhất là đo ra được con số rõ ràng. Nhờ sự trợ giúp của chiếc điện thoại thân yêu, mình thấy việc đo này không hề khó, nên mình bày để các bạn đọc có thể đo lại thời gian của bản thân một cách tốt hơn.

Mà tại sao lại cần phải đo thời gian của bản thân? Vì mình biết rằng bạn đọc rất thích đọc, học và thử những thói quen mới. Đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ, học tiếng Anh, tập thể dục, làm việc tập trung, vân vân và mây mây – có rất nhiều thói quen để chúng ta có thể tập và thử. Tuy nhiên, nếu chỉ bên nguyên công thức của một người thành công vào để áp dụng lên bản thân thì chưa chắc đã thành công. Việc đầu tiên ta cần phải biết là chúng ta đang ở tình trạng như thế nào với thói quen đó đã. Nếu chúng ta muốn luyện việc ngủ, phải biết một ngày đang ngủ mấy tiếng. Nếu muốn làm việc hiệu quả, phải biết xem một tuần ta đang làm việc hiệu quả mấy giờ, kiểu như vậy. Dưới đây là một số công cụ đo thời gian mình thấy rất hay.

1. Life Cycle – đo thời gian cả tháng

Hình như ứng dụng này chỉ có trên iPhone, tiếc cho các bạn Android. Ứng dụng này nó sẽ tự động ghi chép lại xem hàng giờ bạn làm cái gì – dựa theo tính năng địa điểm. Ví dụ bạn ở phòng tập thì nó hiểu là bạn đang đi tập, bạn ở chỗ làm thì nó hiểu là bạn đi làm – đương nhiên để nó hiểu được điều này thì cần khoảng mấy ngày đầu bạn hướng dẫn cho nó biết, bằng cách tự nhập vào. Dần dần mình càng tự nhập nhiều, độ tự động càng cao. Vì mình đã dùng lâu, các địa điểm đi đi lại lại cũng quen thuộc, nên thành ra bây giờ gần như là tự động hoàn toàn.

Ứng dụng này mình thường dùng để xem thời gian một tuần hoặc một tháng của mình, hai cái mình xem thấy hợp lý nhất là thời gian ngủ và thời gian di chuyển. Như các bạn thấy tuần trước mình ngủ 46 tiếng, là khoảng 6.5 tiếng một tuần – cũng không phải là quá tồi nhỉ.

life-cycle-anhtuanle

2. Pomodoro – đo thời gian làm việc

Pomodoro là gọi tắt của phương pháp làm việc quả cà chua để tập trung hơn mà mình đã từng viết, đại loại là làm 25 phút nghỉ 5 phút. Cứ 25 phút làm việc tập trung thì được tính là một quả cà chua. Những người làm việc hiệu quả trừ các thời gian họp hành các kiểu, nếu một ngày làm được khoảng 6-8 trái cà chua trở lên đã là rất hiệu quả rồi.

Pomodoro có ở rất nhiều nơi, bạn có thể lên Google hoặc ứng dụng trên điện thoại để gõ từ khóa này vào sẽ cho ra rất nhiều ứng dụng để bạn sử dụng. Vì mình làm việc chủ yếu trên máy tính, nên mình quyết định cài AddOn vào Chrome tên là Marinara: Pomodoro® Assistant để đo thời gian làm việc. Cứ bắt đầu tập trung, mình sẽ ấn vào trái cà chua cho nó chạy 25 phút, đúng 25 phút mình sẽ nghỉ để uống nước hoặc đi bộ. Hình ảnh thống kê bên dưới cho thấy tần suất làm việc của mình, và có thể thấy mình thường chăm chỉ vào thứ 2-3-4 và lười dần vào những ngày cuối tuần.

pomodoro-lam-viec-hieu-qua-anhtuanle

3. Alarmy – Báo thức

Alarmy là ứng dụng báo thức mình thích nhất vì tính hiệu quả và cũng giới thiệu vài lần tới các bạn đọc rồi. Khác với những cái báo thức thông thường, cái này hay ho hơn vì nó sẽ có tính năng như giải toán kiểu 1461 x 135 hoặc lắc lắc 100 cái thật mạnh hoặc chụp một hình ảnh gì đó mà bạn phải chụp từ tối hôm trước để ngủ dậy được. Bí kíp của mình là chụp tuýp kem đánh răng ở bên ngoài nhà vệ sinh, sáng phải chạy qua đó cầm tuýp kem lên chụp lại rồi tranh thủ đánh răng luôn. Có nghiên cứu cho rằng, việc đánh răng là một hình thức giúp mình tỉnh ngủ.

Mình chỉ dùng Alarmy để đo việc thức giấc hằng ngày thôi, khi nhìn vào số giờ mình tắt chuông báo thức mỗi ngày, mình sẽ thấy được rằng mình thường ngủ dậy vào khoảng 5-6 giờ. Gần đây mình đã đưa được giấc ngủ vào khung giờ cố định rồi, nên ít khi cần báo thức nữa.

Nếu bạn muốn đo xem hôm đó ngủ nông hay sâu, ngáy nhiều hay ít, chất lượng ra sao thì có một ứng dụng tên là Sleep Cycle cũng rất hay để đo. Tuy nhiên cá nhân mình nghĩ rằng đo 1-2 tháng cho vui thì được, chứ đi ngủ mà để cái điện thoại kè kè bên cạnh thì cũng không tốt lắm đâu nhé.

4. Duolingo – Đo việc học

Mình rất thích quan điểm rằng muốn luyện một thói quen nào đó, chúng ta nên làm việc đó mỗi ngày. Và mình áp dụng quan điểm này rất triệt để vào việc học tiếng Tây Ban Nha. Mỗi ngày mình đặt mục tiêu học 50 điểm tiếng Tây Ban Nha trên ứng dụng Duolingo (mất khoảng 20 phút) – cứ học đúng 50 điểm thì mình sẽ được cộng vào một ngày. Mục tiêu là duy trì số ngày học liên tục càng dài càng tốt. Nhờ mục tiêu này mà có những hôm về nhà buồn ngủ ơi là buồn ngủ, mình vẫn cố mở máy lên để học cho xong đấy.

Screen Shot 2019-09-25 at 3.23.52 pm

 

Trên đây là một số công cụ/phương pháp mình đang sử dụng để đo thời gian mỗi ngày của bản thân. Chúc bạn đọc áp dụng thành công.

 

Các bài đọc khác:

  1. Làm Sao Để Ngủ Dậy Sớm?
  2. Làm Sao Để Đi Ngủ Sớm Hơn?
  3. 10 Phương Pháp Cho 1 Ngày Năng Suất
  4. Làm sao để tăng cân?
  5. Mình Đã Thử Tắm Nước Lạnh Mỗi Sáng Trong 1 Tháng. Và Đây Là Kết Quả.
  6. Về Việc Tập Trung: Luyện Từ Việc Nhỏ, Rồi Hãy Làm Việc To
  7. Bài Viết Này Giúp Bạn Hoàn Thành Mọi Mục Tiêu Đề Ra Năm 2019
  8. Làm sao để quyết tâm hơn? Để theo đuổi mục tiêu và không bỏ cuộc.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.