Khi ngồi lập danh sách các việc làm trong ngày, tuần, tháng – mình bị hoa mắt bởi một rừng những việc cần làm và muốn làm, không biết phải làm cái gì trước, làm cái gì sau cho hợp lý. Mỗi khi rơi vào trường hợp bị ngợp bởi nhiều thứ như vậy, mình liền sử dụng tư duy lối sống tối giản và quy tắc số 3 để điều chỉnh lại cho mọi việc trở nên dễ thở và nhẹ nhàng hơn.

Mình suy nghĩ “Nếu trong đời này chỉ có 3 nhiệm vụ chính cần giải quyết, đó là gì?”. Và câu trả lời mình có được đó là Làm, Học và Chơi.

  • Làm (Produce) là việc mình bỏ thời gian, công sức và chất xám để thực hiện các công việc. Công việc ở đây có thể là công việc chính ở văn phòng, công việc cá nhân và các dự án cộng đồng.
  • Học (Consume) là việc mình tiếp thu một kiến thức, kỹ năng mới, giống như việc tiêu thụ vậy. Làm là sản xuất ra, học là nạp năng lượng vào. Học có thể thông qua trường lớp chuyên nghiệp, các khóa học ngắn hạn, đọc sách hoặc học từ người khác.
  • Chơi (Entertainment) là những việc giải trí khiến bản thân cảm thấy vui, không cần phải có mục tiêu gì cho việc này hết. Giải trí có thể bao gồm xem phim, chơi game hoặc dành thời gian cho người khác.

Cá nhân mình thấy nếu 3 nhiệm vụ này có sự cân bằng trong thời gian biểu của bạn, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Thiếu đi một hoặc hai trong ba điều sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, ví dụ:

  • Có những người chỉ Làm mà quên đi việc Học Chơi. Dần dần trong công việc họ sẽ bị vượt lên bởi những người khác chịu khó học bổ sung kiến thức, họ có thể đánh mất dần những mối quan hệ thân thiết vì có mấy khi dành thời gian cho người khác đâu.
  • Có những người lại chỉ học mà không làm. Tức là chăm chỉ đi học hết kỹ năng này đến khóa học kia, nhưng không có sản xuất điều gì ra cho xã hội. Những người này thường không được mấy ai biết tới, ít có sự thành công trong sự nghiệp.
  • Những người chỉ chơi mà không học làm thì khỏi cần nói, bạn cũng có thể thấy rõ cuộc đời của những người này sẽ đi về đâu.

Vậy phải làm sao để cân bằng giữa Làm, Học và Chơi?

Cân bằng Làm, Học và Chơi?

Xin bạn đừng hiểu nhầm cân bằng là phải chia thời gian làm 3 phần bằng nhau cho 3 việc này. 8 tiếng cho Làm, 8 tiếng cho Học, 8 tiếng cho Chơi – không phải là như vậy. Cân bằng là việc bạn không bỏ sót một nhiệm vụ nào trong ba nhiệm vụ này trong cuộc đời bạn, ví dụ bạn có thể làm chuyên tâm 8 tiếng, học 2 tiếng và chơi 1 tiếng mỗi ngày – như vậy vẫn là cân bằng. Điều quan trọng hơn đó là, khi bạn làm nhiệm vụ nào, bạn thực sự chuyên chú và tập trung vào nhiệm vụ đó.

Điều thứ hai cần lưu ý về mặt thời gian, một ngày ngoài thời gian làm-học-chơi, chúng ta còn phải dành thời gian cho những việc cơ bản như ăn-ngủ-vệ sinh cá nhân, đừng bỏ qua việc này.

Để cân bằng việc Làm-Học-Chơi, mình sẽ ngồi vạch ra một bản kế hoạch như thế này:

  • Bước 1: tính toán xem một ngày dành bao nhiêu thời gian cho việc cơ bản ăn-ngủ-vệ sinh. Tốt nhất là hãy tính dư ra, đừng tính sát quá. Ví dụ, một ngày ngủ 8 tiếng, ăn 3 bữa mỗi bữa 30 phút – làm tròn 2 tiếng, vệ sinh tắm rửa 30-45 phút – làm tròn 1 tiếng. Tổng là 11 tiếng. Cộng thêm 1 tiếng dọn nhà là 12 tiếng. Như vậy trong ngày bạn còn lại 12 tiếng.
  • Bước 2: giả sử bạn đang đi làm văn phòng như bao người khác, hãy tính nhanh thời gian bạn dành cho công việc văn phòng là bao lâu. Thời gian này nên tính từ khoảnh khắc bạn bước chân ra khỏi nhà và bước chân về nhà. Ví dụ bạn làm từ 08:30 đến 17:30, mất 30 phút đi và về, như vậy có thể tính từ 08:00 – 18:00 là 10 tiếng. Cộng với 12 tiếng ở Bước 1, lúc này bạn còn 2 tiếng.
  • Bước 3: còn 3 tiếng này, bạn cân nhắc chia cho các nhiệm vụ làm dự án cá nhân hoặc cộng động, học hoặc chơi (xem phim, dành thời gian cho con). Hai tiếng một ngày không nhiều cũng không ít, đây là lúc bạn chọn lựa đâu là ưu tiên chính của mình. Ví dụ:
    • Trong 2 tiếng bạn có thể chia ra 1 tiếng để làm dự án cộng đồng hoặc học cái gì đó mới, 1 tiếng để chơi.
    • Hoặc 2 tiếng hôm nay để làm, 2 tiếng ngày mai để chơi.

Bạn không cần làm tất cả các nhiệm vụ trong một ngày, miễn sao trong một tuần nhìn lại, bạn có được những khoảng thời gian đầy đủ cho các nhiệm vụ trên, như vậy là cân bằng. Cân bằng với mỗi người mỗi khác, tự bạn hãy xem điều gì là quan trọng với mình nhé. Ví dụ bạn là người độc thân chưa nhiều vướng bận, bạn dành 2 tiếng dư mỗi ngày cho các dự án cộng đồng. Bạn là người đã có con, bạn chỉ dành 2 tiếng dư cho con, điều gì cũng đúng. Vậy nên đừng so sánh mình với ai cả, hãy tự xem với bản thân mình ở thời điểm này điều gì là quan trọng nhất.

Cách Làm-Học-Chơi

Tiếp theo, mình muốn gợi ý bạn một số hoạt động cụ thể của việc Làm-Học-Chơi để bạn có thể tham khảo.

1/ LÀM

Chúng ta có 3 thứ có thể làm đó là Làm việc công ty, Làm việc cá nhân, Làm dự án cộng đồng.

LÀM VIỆC CÔNG TY

Phần đông chúng ta sẽ dành phần lớn thời gian (như tính nhẩm ở trên là 10 tiếng mỗi ngày) để làm việc ở công ty. Đây là một khoảng thời gian không hề nhỏ, chính vì thế việc hướng nghiệp để làm đúng công việc phù hợp với sở thích và khả năng của mình là rất quan trọng. Có hai vấn đề mình quan sát được của việc làm việc ở công ty đó là:

  • Chúng ta dành rất nhiều thời gian làm việc ở một công việc và công ty chúng ta hoàn toàn không ưa thích, mức lương cũng không quá cao, luôn dậy sớm đi làm và đi về trong tình trạng mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của mình.
  • Chúng ta dành 10 tiếng ở công ty nhưng thực sự chỉ có 1-2 tiếng thực sự làm việc hiệu quả. Quá nhiều thời gian bị phân tâm bởi mạng xã hội, tám chuyện với đồng nghiệp hay các cuộc họp.

Giải pháp cho hai việc trên có rất nhiều, trong khuôn khổ bài viết này mình không đi sâu vào giải pháp, mình chỉ muốn liệt kê ra 2 thực trạng như vậy để bạn cân nhắc. Nếu bạn đang đi làm công ty, hãy xem bạn có đang dính phải hai vấn đề đó không. Bạn có đang làm một công việc bản thân chán ngán, về nhà mệt mỏi không có tâm trạng học hành gì thêm hay cáu bẳn với người thân không? Bạn có đang ngồi ì ở công ty cho qua ngày và đang làm việc không thực sự hiệu quả hay không?

Nếu bạn trong trường hợp một, hãy dành thời gian đi tư vấn hướng nghiệp. Nếu bạn trong trường hợp hai, hãy thử một số phương pháp làm việc hiệu quả, ví dụ như phương pháp Pomodoro.

LÀM VIỆC CÁ NHÂN – CỘNG ĐỒNG

Nếu trong trường hợp bạn đang làm một công việc chưa mấy yêu thích ở công ty, nhưng ít nhất vẫn đem lại về tài chính, mình khuyến khích bạn có thêm một dự án cá nhân hoặc một công việc cộng đồng để đem lại niềm vui. Hãy nhớ là nếu việc công ty đang chưa vui, thì việc cá nhân hoặc cộng đồng nên vui.

Việc cá nhân có thể như là xây dựng thương hiệu cá nhân online (viết blog, làm YouTube, Tiktok), viết một cuốn sách, bán thêm hàng online hay làm affiliate marketing để có thêm thu nhập. Dự án cộng đồng thì có rất nhiều, có thể là làm từ thiện, khách mời cho chương trình nào đó, hay hỗ trợ một CLB sinh viên với chuyên môn mà bạn đang có – có rất nhiều cách, chỉ là bạn có làm hay không thôi.

Một dự án cá nhân nếu phát triển tốt, vừa giúp bạn vui vừa giúp bạn đỡ được một phần gánh nặng về tài chính và có sự đảm bảo hơn trong sự nghiệp. Ví dụ, nếu chẳng may có mất việc tạm thời, trong thời gian chờ đợi bạn vẫn có được một chút thu nhập nhỏ từ việc viết lách hay quay YouTube chẳng hạn. Nếu may mắn hơn, từ dự án cá nhân này bạn có thể biến thành công việc chính nếu mọi chuyện diễn ra tốt và bạn có nhiều người theo dõi.

Một dự án cộng đồng là thứ sẽ mang lại niềm vui cho bạn, niềm vui này không giống như niềm vui mà tiền bạc đem lại. Hãy nhớ lại một lần bạn giúp người khác, cảm giác lúc đó nhân lên với hàng chục, hàng trăm lần khi bạn có thể giúp được nhiều người hơn.

2/ HỌC

Chúng ta cứ nghĩ rằng tốt nghiệp Cao Đẳng, Đại Học xong là xong, chúng ta không cần phải học thêm gì nữa. Thật ra học là một hành trình suốt đời, một người có tư tưởng học tập suốt đời sẽ dễ thành công hơn những người đã ‘ngừng học’.

Tại sao lại phải học suốt đời? Bởi lẽ xã hội đang phát triển và thay đổi rất nhanh. Học không những cho bạn cơ hội thăng tiến trong công việc mà bạn đang làm, học cho bạn nhiều cơ hội để chọn lựa hơn nếu xảy ra bất trắc. Lấy một ví dụ đơn giản, trong thời buổi công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh hiện nay, nếu các anh chị 7x-8x không thức thời bổ sung kiến thức về công nghệ, dần dần sẽ bị các em 9x – 2k vượt mặt trong công việc. Khi bạn học nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn có cơ hội thay đổi công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Có rất nhiều cách để học, mỗi người có một cách học phù hợp khác nhau, bạn hãy chọn lựa cho mình một cách ví dụ như:

  • Học một ngoại ngữ mới (trên ứng dụng Duolingo hoặc tương tự, ở YouTube, các lớp học).
  • Học kiến thức từ những cuốn sách kinh tế, sách kinh điển.
  • Học các khóa học Online từ Unica, Kyna, Udemy, LinkedIn Learning.
  • Học thông qua việc tham gia các hội thảo, chương trình.
  • Học thông qua việc trò chuyện, kết nối với các anh chị khác giỏi hơn.

Một quan sát mình thấy được đó là càng “già” chúng ta càng lười học. Có thể là vì lý do tuổi tác làm chúng ta bớt tập trung hơn, hoặc vì đi làm quá mệt rồi không có thời gian học nữa. Chính vì vậy, bạn cần lên thời gian cho việc học này trong tuần, đừng để “rảnh thì học” – bạn sẽ không bao giờ rảnh cả. Không cần nhiều, có thể khi lập kế hoạch tuần, bạn chỉ cần khóa trước trong lịch 2 tiếng nào đó trong tuần học một khóa học online, hoặc khóa 30 phút mỗi ngày trong 4 ngày để đọc một cuốn sách – như vậy cũng là học rồi.

Dù có bận bịu đến đâu, đừng quên việc học, học sẽ giúp cho bạn trẻ, bởi đầu óc có vận động thì mình sẽ minh mẫn hơn.

3/ CHƠI

Chơi cũng rất quan trọng, đừng sống chỉ để làm và học. Chúng ta cố làm, cố học chẳng phải một phần để có tiền mua thời gian giải trí cho bản thân và cùng người khác hay sao? Vậy tại sao không làm điều đó ngay từ bây giờ?

Chơi mình chia ra làm 2 kiểu chơi:

  • Chơi một mình: xem phim, nghe nhạc, chơi game hay bất kỳ thú vui gì của bạn;
  • Chơi với người khác: dành thời gian cho gia đình, vợ/chồng, con cái, bố mẹ hoặc bất kỳ ai;

Đã chơi thì phải vui, đừng đặt mục tiêu cho việc chơi. Làm và học đã áp lực chưa đủ hay sao mà chơi còn phải có mục tiêu nữa.

Cũng giống như việc học, đừng chờ “rảnh” sẽ chơi hay “sau này” chơi – chẳng có cái rảnh hay sau này đâu. Nếu bạn thực sự nghiêm túc coi việc chơi như một phần cần phải có trong cuộc sống, bạn cũng cần lên kế hoạch cho việc chơi đó trong ngày hoặc trong tuần. Có thể trong ngày bạn khóa 30 phút riêng cho việc chơi, hoặc trong tuần bạn khóa 1-2 buổi tối cho việc chơi chẳng hạn.

Chơi giống như việc đổ xăng xe vậy, chơi là nạp năng lượng, đổ xăng thường xuyên xe sẽ chạy tốt hơn.

Trên đây là những chia sẻ về cách mình đơn giản hóa cuộc sống. Chúc bạn thành công.

Bạn có thể đăng ký coaching giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống cùng Tuấn Anh tại đây.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.